Năm 2020 ở Khánh Hòa, có một doanh nghiệp chuyên nuôi cá chẽm (cá vược) đã vượt qua dịch Covid-19 một cách ngoạn mục: đã xuất khẩu 6.500 tấn cá chẽm sang thị trường Mỹ và nhiều nước khác. Vậy bí quyết và kinh nghiệm nào đã giúp họ thành công như vậy? Phóng viên Tạp chí Vươn Khơi đã có chuyến đích mục sở thị tại Khánh Hòa và đã trò chuyện với ông Hoàng Ngọc Bình – Giám đốc Vận hành của Australis.
Phóng viên: Là một doanh nghiệp nuôi biển, lại có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá chẽm ở vùng biển Khánh Hòa, ông nhận thấy loài cá nuôi này có những ưu điểm và những vấn đề gì?
Giám đốc Hoàng Ngọc Bình: Với đặc điểm sống được trong cả môi trường nước ngọt lẫn nước mặn, có thể nói ở đâu có ao, ở đó đều nuôi được cá chẽm. Việt Nam có thể triển khai nuôi phục vụ xuất khẩu và cải thiện đời sống của đồng bào ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Có thể nuôi lồng ngoài biển, nuôi trong ao nuôi tôm (sâu hơn 1 m). Cá chịu lạnh không tốt nhưng chịu nóng tốt. Cá không đòi hỏi những môi trường sạch sẽ, có thể sử dụng ao nuôi tôm và ao cá tra bỏ hoang để nuôi. Tuy vậy, các nhà chuyên môn cũng lưu ý là cá chẽm cần hàm lượng oxy cao hơn cá tra, phải có hệ thống sục khí, quạt gió nếu nuôi mật độ dày, còn nuôi từ 1-2 con/m2 thì không cần thiết.

Hiện nay nhiều cơ sở vẫn nuôi cá chẽm bằng thức ăn tươi theo phương pháp truyền thống. Do đó sản lượng thấp, hiệu quả không cao, việc triển khai quy mô lớn rất khó nên cần chuyển sang nuôi cá chẽm theo phương thức công nghiệp, sử dụng thức ăn viên. Hiện có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn và nhiều nhà nhập khẩu thức ăn cho cá chẽm. Thức ăn không thiếu, nhưng vấn đề là người nuôi chưa quen với công nghệ mới. Mặt khác, giống cá chẽm ăn thức ăn công nghiệp vẫn còn hiếm, chưa đủ cung ứng cho thị trường. Cá chẽm đã được xuất khẩu nhưng do sản lượng còn thấp nên việc xuất khẩu còn khiêm tốn.
Phóng viên: Vì sao Australis lại chọn Vịnh Vân Phong làm nơi “định đô” cho cá chẽm?
Giám đốc Hoàng Ngọc Bình: Trước khi quyết định, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã dành 3 năm để khảo sát các vùng biển Việt Nam và cuối cùng đã chọn vịnh Vân Phong của Khánh Hòa để “định đô” cho nuôi cá biển. Chúng tôi đã chọn cá chẽm trong số 30 loài cá. Australis đã áp dụng cách nuôi cá hồi trên biển của Na Uy vào việc nuôi cá chẽm ở Việt Nam, được điều chỉnh phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả rất tốt.
Sở dĩ Công ty TNHH Australis chọn Vân Phong làm nơi “định đô” cho cá chẽm bởi đây là vùng biển phù hợp về mặt địa lý như nằm sâu trong vịnh, kín gió, nước sâu, dòng chảy tốt; đặc biệt là nhiệt độ nước biển ở đây không ảnh hưởng đến việc phát triển của cá chẽm, kể cả vào mùa đông. Lợi thế này đã giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu cá chẽm quanh năm.

Chúng tôi nhận thấy, trên một vùng vịnh biển rộng lớn như Vân Phong, cá chẽm phát triển gần như trong môi trường tự nhiên, nó khác với cách thức nuôi cá chẽm ở sông hoặc trong các đầm nước ngọt, rất dễ xảy ra dịch bệnh từ việc ô nhiễm môi trường.
Phóng viên: Là người điều hành việc nuôi cá chẽm ở vịnh Vân Phong, ông có thể giới thiệu cho bạn đọc của chúng tôi khái lược về mô hình của Australis?
Giám đốc Hoàng Ngọc Bình: Australis Việt Nam đã hình thành một vùng nuôi cá chẽm khép kín, từ khâu cho cá đẻ, ương giống cá đến nuôi cá, hoàn toàn được quản lý bằng máy móc tự động hết sức chuyên nghiệp. Chúng tôi có 5 trang trại (farm), mỗi farm gồm 14 lồng bè, tổng cộng 70 lồng. Sau 20 tháng là có thể thu hoạch mỗi lồng bè từ 250-300 tấn cá.
Nếu các bạn quan sát kỹ từ cách cho cá ăn đến việc thu hoạch và sơ chế cá ngay trên chiếc tàu chuyên dụng mới thấy hết sự công phu và khoa học của việc nuôi cá chẽm theo phương thức này. Mỗi farm đều có một chiếc tàu trung tâm, làm nhiệm vụ điều khiển toàn bộ hoạt động của các lồng bè. Thức ăn nhập về được đưa lên tàu này, từ đây có đường ống dẫn đến các lồng. Người điều khiển chỉ cần cài đặt và ấn nút là thức ăn theo ống “chạy” về các lồng.
Cán bộ kỹ thuật ngồi trên tàu cũng có thể quan sát biết được “sức khỏe” của đàn cá ở các lồng thông qua hệ thống camera đặt ngầm dưới nước trong lồng cá. Hệ thống camera gửi các thông số kỹ thuật, từ thức ăn đến tình trạng của cá ở các lồng một cách chính xác nhất, để người quản lý có thể điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo không thất thoát thức ăn, xử lý kịp thời khi đàn cá có biểu hiện bất thường, nâng cao hiệu quả nuôi.
Phóng viên: Được biết, năm 2020 Australis Việt Nam đã vượt qua đại dịch và hoàn thành kế hoạch rất ngoạn mục. Hiện dịch COVID-19 lại tiếp tục bùng phát, ông có thể nhắc lại và chia sẻ kinh nghiệm đó được không?
Giám đốc Hoàng Ngọc Bình: Được chứ! Để đưa được 6.500 tấn cá chẽm sang Mỹ và một số nước khác như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong năm qua là một kỳ công của Công ty Australis. Năm 2008, chúng tôi chỉ thu được 30 tấn cá. Chúng tôi đã đi một chặng đường 12 năm mới có được 6.500 tấn vào năm 2020. Nhưng sản lượng cá chẽm tăng trên 200 lần này cũng chưa nói lên được điều gì nếu như Australis không biết vượt qua đại dịch Covid-19 năm vừa rồi. Không vượt qua đại dịch thì cũng đồng nghĩa với chuyện “đứng bánh” 50 triệu USD đã đầu tư; trên 800 công nhân tham gia nuôi và chế biến cá chẽm ở Khánh Hòa cũng sẽ mất việc.
Khi dịch Covid 19 bùng phát tại Mỹ – thị trường xuất khẩu cá chẽm lớn nhất của công ty- Australis nhanh chóng điều chỉnh sản phẩm của mình để tận dụng lợi thế các điều kiện thị trường đang thay đổi. Thay vì bán hàng cho các siêu thị, nhà hàng lớn, công ty chuyển sang bán thông qua các doanh nghiệp giao hàng thực phẩm và bữa ăn tại nhà lớn nhất của Mỹ, nơi nhu cầu về cá đông lạnh tăng mạnh. Cách này đã giúp cho doanh thu của Australis tăng hơn 30% vào năm 2020, cho phép công ty thuê thêm nhân viên, tăng mức lương thưởng cho nhân viên và trả thưởng tết đầy đủ ngay cả khi nhiều doanh nghiệp khác phải vật lộn để trụ lại. Có được mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng ngay tại vùng quê tỉnh Khánh Hòa cho 800 người của công ty là một nỗ lực rất lớn.

Australis Việt Nam đã vươn mình trở thành công ty nuôi cá chẽm tầm cỡ thế giới và công ty xuất khẩu cá biển lớn nhất Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 đang làm cho nền kinh tế các nước điêu đứng. Đây quả là một điều kỳ diệu!
Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến thủy sản thứ tư tại Khu công nghiệp Ninh Thủy, tuyển dụng thêm hơn 250 lao động mới, nâng tổng số lao động trong toàn công ty lên trên 1.000 người. Và trong năm nay, 8.000 tấn cá chẽm cũng sẽ “vượt Covid-19” để có mặt tại Mỹ và các nước khác.
Phóng viên: Những bí quyết nào đã làm nên thành công đó thưa ông?
Giám đốc Hoàng Ngọc Bình: Một trong những yếu tố mà chúng tôi và những đồng nghiệp luôn phải mang bên mình, đó là kiên trì đầu tư, nhanh nhạy chuyển đổi theo nhu cầu thị trường, theo tình hình dịch bệnh chung trên toàn cầu, quyết tâm vượt qua các giai đoạn khó khăn để theo đuổi mục tiêu của công ty.
Công ty thực hiện tốt tuân thủ đầy đủ các yêu cầu pháp luật, các tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được các yêu cầu, chứng chỉ để xuất khẩu sản phẩm đi các thị trường lớn. Chăm lo đời sống, thực hiện đầy đủ, tốt các yêu cầu về phúc lợi, an sinh xã hội cho người lao động để người lao động toàn tâm, toàn ý gắn bó lâu dài với công ty.
Đội ngũ kỹ thuật và quản lý có trình độ, luôn học hỏi để tiếp thu các công nghệ mới, đội ngũ công nhân chịu khó, chấp hành tốt các quy định của công ty, gắn bó với công ty để vượt qua mọi khó khăn.
Sự quan tâm giúp đỡ, động viên của lãnh đạo địa phương các cấp, sự ủng hộ của nhân dân địa phương trên địa bàn hoạt động của công ty cũng là điều kiện quan trọng dẫn đến sự thanh công của công ty.
Phóng viên: Ông muốn nhắn nhủ với những người nuôi biển điều gì để nghề nuôi cá chẽm tiếp tục được phát huy, nhân rộng?
Giám đốc Hoàng Ngọc Bình: Cá chẽm được kỳ vọng là “ngôi sao mới” trên thị trường thủy sản. Nuôi cá chẽm trước hết tận dụng được các ao, nhất là ao bỏ hoang, có lợi cho nền kinh tế, trong bối cảnh nhiều ruộng tôm, ao cá tra đang bị “treo” người dân bỏ ao không sử dụng.
Một số nhà xuất khẩu quan tâm đến cá chẽm công nghiệp, điển hình là Công ty Vĩnh Hoàn, đã triển khai đầu tư nuôi 400 ha cá chẽm, đây là doanh nghiệp sớm tham gia đầu tư xuất khẩu cá chẽm. Sản phẩm cá chẽm cao cấp đã xuất ổn định vào châu Âu và Mỹ. Hiện ở Sóc Trăng cũng đã tiến hành nuôi thí điểm công nghiệp, đạt năng suất 70 tấn cá/ha, cao nhất thế giới.
Khó khăn hiện tại là lượng giống cá chẽm nuôi công nghiệp cung ứng cho thị trường chưa đủ đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất. Nếu giải quyết được con giống quen thức ăn công nghiệp, chắc chắn diện tích nuôi cá chẽm sẽ tăng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống cơ sở vật chất là hệ thống ao nuôi tôm, ao nuôi cá không sử dụng nữa, người dân đang chuyển sang nuôi cá chẽm mà không cần đầu tư lớn.
Điều quan trọng, phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ tạo được uy tín với thị trường, dễ dàng cho đầu ra của sản phẩm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông, chúc cho mô hình nuôi cá chẽm luôn gặt hái nhiều thành công.

Thu Minh thực hiện