Vươn Khơi

Nhìn lại ngành nuôi trồng thuỷ sản 20 năm qua

LTS. Nuôi trồng thủy sản thế giới là ngành tạo ra các sản phẩm sinh vật phát triển mạnh mẽ nhất trong vài chục năm gần đây, và đang trên đà phát triển mạnh, đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn không chỉ trong việc bảo đảm an ninh thực phẩm toàn cầu, mà còn đóng góp vào những lĩnh vực khác. Tạp chí Vươn khơi xin giới thiệu với bạn đọc bài tổng quan của một nhóm các nhà khoa học và quản lý nổi tiếng thế giới về hiện trạng, những vấn đề tồn tại và các xu thế phát triển của nuôi trồng thủy sản trong 20 năm (1997-2017). Vì khuôn khổ của Tạp chí, chúng tôi xin lược bỏ phần nói về nuôi thủy sản nước ngọt.

TÓM TẮT

Sau khi tạp chí Nature công bố một đánh giá về đóng góp ròng của NTTS vào nguồn cung thủy sản trên toàn cầu trong năm 2000, tính bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã thu hút được sự tranh luận sôi nổi. Bài báo này đánh giá những phát triển trong NTTS toàn cầu từ năm 1997 đến năm 2017, kết hợp các phân ngành và làm nổi bật sự tích hợp của NTTS trong hệ thống lương thực toàn cầu. NTTS trên đất liền – đặc biệt là ở Châu Á – đã đóng góp nhiều nhất vào khối lượng sản xuất toàn cầu và an ninh lương thực. Thành quả lớn nhất đã đạt được trong việc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và dinh dưỡng cho thủy sản nuôi, giảm hệ số thức ăn đối với tất cả các loài thủy sản phải cho ăn, mặc dù vẫn còn lệ thuộc vào các nguyên liệu thức ăn từ biển nhưng sự đóng góp của các thành phần thức ăn trên cạn đã tăng lên. Nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển ngày càng được thừa nhận về các tác dụng của chúng đối với hệ sinh thái; tuy nhiên, việc định lượng, định giá và phát triển thị trường cho các dịch vụ này vẫn còn rất nhỏ bé. Tiềm năng của động vật thân mềm và rong biển để hỗ trợ an ninh thực phẩm toàn cầu vẫn chưa được khai thác. Quản lý mầm bệnh, ký sinh trùng và động vật gây hại vẫn là thách thức đối với tính bền vững trong toàn ngành, tác động của biến đổi khí hậu đối với NTTS vẫn chưa được làm rõ và khó đánh giá. Áp lực đòi hỏi ngành NTTS áp dụng các biện pháp phát triển bền vững toàn diện trong suốt 20 năm qua đã giúp cải thiện quản trị, công nghệ, bố trí và quản lý trong nhiều trường hợp.

NỘI DUNG CHÍNH

Hai mươi năm trước, tạp chí Nature đã công bố một đánh giá mô tả NTTS như một giải pháp khả thi và là một yếu tố góp phần hạn chế suy giảm trữ lượng thủy sản trên toàn thế giới. Vào thời điểm đó, ngành NTTS thương mại đang phát triển mạnh, trong khi sản lượng đánh bắt thủy sản lại đang rất trì trệ. Sản lượng nuôi cá và động vật có vỏ (tính theo trọng lượng tươi) đã tăng gần gấp ba lần, từ 10 triệu tấn (MT) năm 1987 lên 29 MT năm 1997, có khoảng 300 loài động vật, thực vật và rong tảo đang được nuôi trồng trên toàn thế giới. Báo cáo ấy nhấn mạnh nhiều hơn vào nghề nuôi các loài sinh vật biển phải cho ăn hơn các loài nước ngọt và động vật thân mềm, đồng thời cảnh báo rằng đóng góp ròng của NTTS đối với nguồn cung cấp thủy sản thế giới sẽ không thể bền vững nếu không giảm việc sử dụng cá khai thác tự nhiên làm thức ăn nuôi thủy sản cũng như hạn chế các tác động môi trường của ngành.

Báo cáo tổng quan này đề cập các xu hướng toàn cầu về NTTS trong 20 năm qua, dựa trên một số tài liệu tham khảo được chọn. Năm 2017, NTTS cung cấp hơn 80 triệu tấn cá, động vật có vỏ và 32 triệu tấn rong biển, gồm khoảng 425 loài nuôi. Ba hình thái phát triển NTTS chính đặc trưng cho sự trưởng thành của ngành là: tiếp tục tăng trưởng về sản lượng và chuỗi giá trị NTTS nước ngọt; các tiến bộ về dinh dưỡng cá, di truyền và các loại thức ăn thay thế làm giảm việc sử dụng cá tự nhiên trong các công thức thức ăn thủy sản; mở rộng nghề nuôi các loài thân mềm hai mảnh vỏ và trồng rong biển, có tiềm năng cung cấp nguyên liệu cho thực phẩm, cho nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ cho hệ sinh thái.

Những xu hướng này cho thấy mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa đất liền và biển. Tiếp tục lịch sử lâu đời của sản xuất nội địa, tỷ lệ cá nước ngọt được nuôi bằng thức ăn hỗn hợp (phần lớn được chế biến từ các thành phần trên cạn và một số nguyên liệu biển) đã tăng lên trong hai thập kỷ qua. Trong khi đó, việc đưa các thành phần có nguồn gốc thực vật vào thức ăn thủy sản đã tăng lên, và việc sản xuất các loài ăn lọc (động vật thân mềm và rong biển) hấp thụ chất dinh dưỡng từ các hệ thống thức ăn trên cạn và biển đã phát triển. Do đó, NTTS đã trở nên tích hợp hơn với hệ thống lương thực toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong sản xuất và những chuyển đổi lớn về nguyên liệu thức ăn, công nghệ sản xuất, quản lý trang trại và chuỗi giá trị. Thông qua tăng trưởng NTTS, người tiêu dùng từ các quốc gia có thu nhập từ thấp đến cao đã được hưởng lợi từ sự dồi dào quanh năm và khả năng tiếp cận các loại thức ăn thủy sản giàu protein và vi chất dinh dưỡng. Ngành này sản xuất nhiều hơn cá, động vật có vỏ và rong tảo để tiêu dùng trực tiếp cho con người. Nó cũng tạo ra các sản phẩm được sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm và nhiều loại sản phẩm công nghiệp khác, và đóng góp vào hàng loạt dịch vụ cho hệ sinh thái.

Mặc dù đạt được những thành tựu ấn tượng, ngành NTTS vẫn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, trong một số trường hợp, làm giảm khả năng đạt được các kết quả bền vững của toàn ngành. Nhìn chung, lĩnh vực này đã nhận được kỳ vọng của doanh nghiệp và cộng đồng về các hoạt động lành mạnh về môi trường và xã hội. Các hệ thống nuôi cá và giáp xác được thương mại hóa trên toàn cầu đang từng bước cải thiện hoạt động môi trường của chúng, theo tiêu chí độc lập hoặc đáp ứng quy định của chính phủ, các tiêu chuẩn của khu vực tư nhân và công cộng cũng như các khuyến khích thị trường. Tuy nhiên, nhiều hệ thống NTTS vẫn thiếu động lực để đáp ứng các tiêu chí bền vững vì thị trường mục tiêu của họ không đáp ứng lợi ích của người sản xuất thông qua việc cải thiện giá cả hoặc khả năng tiếp cận. Đồng thời, động vật thân mềm, các loài cá ăn lọc và rong biển có đặc tính bền vững, đặc biệt là vì chúng không phụ thuộc vào nguồn thức ăn thủy sản mà lấy các chất dinh dưỡng trong cột nước. Tóm lại, ngành công nghiệp NTTS tiếp tục mở rộng trên quy mô toàn cầu, đóng góp của nó vào hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường khác nhau trên các hệ thống NTTS khác nhau.

SỰ MỞ RỘNG QUY MÔ TRÊN TOÀN CẦU

Sản lượng tươi sống của NTTS toàn cầu tăng hơn ba lần, từ 34 triệu tấn năm 1997 lên 112 triệu tấn năm 2017 (Hình 1). Các nhóm loài chính đóng góp 75% sản lượng NTTS năm 2017 bao gồm rong biển, các loài cá chép, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá rô phi và cá da trơn. Mặc dù sản lượng các loài cá biển, cá di cư và giáp xác cũng phát triển nhanh chóng trong thời kỳ này, nhưng vẫn thua kém các loài hai mảnh vỏ và rong biển cũng như nước ngọt. Cá nước ngọt chiếm 75% sản lượng thủy sản có thể dùng làm thực phẩm toàn cầu, do chúng có tỷ lệ chuyển đổi từ khối lượng tươi sang khối lượng ăn được cao hơn so với các loài động vật thân mềm và giáp xác (những loài mà vỏ chiếm tỷ trọng đáng kể). Đánh giá trước đây chỉ tập trung vào các thành phần có nguồn gốc từ biển trong sản xuất thức ăn nuôi các loài hải sản và các loài cá di cư có giá cao, nên vai trò chủ đạo của các hệ thống nước ngọt ít được đề cập. Vai trò của các hệ thống nước ngọt được chú ý hơn một phần cũng vì những tiến bộ trong công nghệ thức ăn và sinh sản nhân tạo, nhất là đối với cá hồi và tôm, đã giải quyết những lo ngại trước đây về tác động của NTTS đối với nghề khai thác thủy sản.

Hình 1: Cơ cấu và tăng trưởng của sản lượng NTTS tươi sống toàn cầu.
Hình 1: Cơ cấu và tăng trưởng của sản lượng NTTS tươi sống toàn cầu.

(a) Cơ cấu loài cho năm 1997 và 2017. Màu xanh lá cây – tảo và thực vật thủy sinh; xanh da trời – cá nước ngọt; hồng – động vật có vỏ; cam – cá di cư sông-biển; b và c – Tăng trưởng sản lượng từ năm 1997 đến năm 2017 đối với các loại sau: (b) tổng sản lượng cá nước ngọt, tảo, động vật thân mềm và CDMM (gồm: giáp xác, cá di cư, cá biển và các loài khác) và được mở rộng trong (c) Tảo chiếm hơn 99% sản lượng của ‘tảo và thực vật thủy sinh’ năm 2017. Dữ liệu của FAO. Dữ liệu quốc gia được báo cáo dựa trên Danh sách các loài của ASFIS (http://www.fao.org/fishery/collection/asfis/en). NEI – các loài khác.

NTTS hiện nay đã đa dạng hơn, với hơn 40% các loài cá, động vật có vỏ, thực vật thủy sinh và rong tảo được nuôi trồng trong nhiều hệ thống biển, nước lợ và nước ngọt trên toàn cầu. Tuy nhiên, 75% sản lượng tươi sống toàn cầu vẫn tập trung vào 22 loài – chỉ chiếm 5% trong tổng số 425 loài được nuôi trồng năm 2017 (Hình 2). Sản lượng thực vật thủy sinh năm 2017 (1.639 tấn) chỉ chiếm một phần rất nhỏ của sản lượng (~ 32 triệu tấn) của nhóm “thực vật thủy sinh và tảo” vì phần lớn thực vật thủy sinh được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) liệt kê trong nhóm “thực vật thủy sinh NEI” và được báo cáo dưới mức thực tế, do tính chất không chính thức của báo cáo về sản lượng thu hoạch đã được sử dụng cho tiêu dùng hộ gia đình và trong phạm vi địa phương.

Hình 2. Số các loài thủy sản nuôi trong mỗi nhóm (1950–2017).
Hình 2. Số các loài thủy sản nuôi trong mỗi nhóm (1950–2017).

Châu Á vẫn là khu vực sản xuất NTTS lớn nhất, chiếm 92% sản lượng động vật và rong biển tươi năm 2017. NTTS ở Châu Á cũng đa dạng hơn các khu vực khác về hệ thống sản xuất và số loài nuôi trồng. Chín trong mười quốc gia được xếp hạng hàng đầu về đa dạng loài nuôi trồng là ở châu Á, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với tỷ trọng lớn. Năm 2017 Trung Quốc đã nuôi trồng tới 86 loài thủy sinh vật trong nhiều hệ thống sản xuất khác nhau, trong khi Na Uy chỉ nuôi trồng 13 loài khác nhau, chủ yếu trong các hệ thống lồng trên biển.

Trung Quốc có một vai trò quá lớn trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất NTTS. Kể từ năm 2000, quốc gia này đã duy trì vai trò là nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh cá, động vật giáp xác và động vật thân mềm lớn nhất toàn cầu, đồng thời nổi lên như một nước tiêu thụ hàng đầu nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng về thu nhập và nhu cầu thủy sản trong nước. Riêng Trung Quốc đã cung cấp 58% khối lượng và 59% giá trị thủy sản nuôi toàn cầu năm 2017 (Bảng 1).

Mặc dù vậy, ngành NTTS vẫn ngày càng có xu hướng toàn cầu nhiều hơn, với tốc độ tăng trưởng ở Nam Mỹ và Châu Phi vượt xa Châu Á trong hai thập kỷ qua, và tốc độ mở rộng ở Nam Á và Đông Nam Á tương đối nhanh chóng hơn so với Đông Á. Các nhà sản xuất NTTS lớn nhất bên ngoài châu Á (mỗi nước chiếm 1-2% sản lượng toàn cầu) là Na Uy và Chile, chủ yếu sản xuất cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) và Ai Cập, nơi sản xuất cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus). NTTS ở Tây bán cầu chủ yếu phát triển các hệ thống nuôi đơn loài hoặc hai loài trong hệ nuôi đơn (ví dụ: cá hồi Đại Tây Dương nuôi lồng; cá rô phi sông Nile và cá nheo Ictalurus punctatus nuôi ao). Mặc dù được hưởng những tiến bộ về di truyền và dinh dưỡng, nhưng các hệ thống và loài nuôi này vẫn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc liên quan đến sự biến động của thị trường, các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt và đại dịch COVID-19.

Bảng 1. Sản lượng NTTS của từng khu vực và tỷ trọng so với toàn cầu

  1. Sản lượng tươi sống của từng nhóm đối tượng nuôi trồng năm 2017 (nghìn tấn)
Khu vực Rong tảo và thực vật thủy Giáp xác Cá di cư sông biển Cá nước ngọt Cá biển Cá biển và cá di cư Thân mềm Tổng cộng
Châu Á (tổng) 31636 7573 2556 41665 2545 5100 16029 102896
Đông Á 20255 4573 510 25115 1794 2304 15469 68599
Trung Quốc 17534 4550 378 25026 1426 1803 14596 64358
Đông Nam Á 11379 2118 1739 8517 344 2083 547 24652
Nam Á 3 843 172 7921 226 389 13 9178
Trung Tây Á 39 134 113 180 314 0 468
Châu Âu 2 0 1889 281 203 2092 633 3010
Nam Mỹ 17 792 939 805 10 949 397 2960
Châu Phi 137 6 4 1738 324 328 5 2214
Bắc Mỹ 65 186 166 2 188 212 631
Châu Đại dương 19 6 72 3 15 87 118 235
Tổng 31811 8443 5646 44659 3098 8744 17394 111947
  • Tỷ trọng của từng khu vực và nhóm đối tượng nuôi trồng năm 2017 so toàn cầu
Khu vực Rong tảo và thực vật thủy Giáp xác Cá di cư sông biển Cá nước ngọt Cá biển Cá biển và cá di cư Thân mềm Tổng cộng
Châu Á (tổng) 1 0.9 0.45 0.93 0.82 0.58 0.92 0.92
Đông Á 0.64 0.54 0.09 0.56 0.58 0.26 0.89 0.61
Trung Quốc 0.55 0.54 0.07 0.56 0.46 0.21 0.84 0.58
Đông Nam Á 0.36 0.25 0.31 0.19 0.11 0.24 0.03 0.22
Nam Á 0 0.1 0.03 0.18 0.07 0.05 0 0.08
Trung Tây Á 0.01 0.02 0 0.06 0.04 0 0
Châu Âu 0 0 0.34 0.01 0.07 0.24 0.04 0.03
Nam Mỹ 0 0.09 0.17 0.02 0 0.11 0.02 0.03
Châu Phi 0 0 0 0.04 0.1 0.04 0 0.02
Bắc Mỹ 0.01 0.03 0 0 0.02 0.01 0.01
Châu Đại dương 0 0 0.01 0 0.01 0.01 0.01 0

Tăng trưởng của NTTS được thúc đẩy bởi sự mở rộng thương mại toàn cầu, nguồn cung cá tự nhiên giảm, giá sản phẩm cạnh tranh, thu nhập tăng và đô thị hóa – tất cả đều góp phần làm tăng mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thương mại thủy sản toàn cầu vẫn còn hạn chế đối với một số ít loài và tương đối ít các quốc gia: cá hồi, tôm, cá da trơn và cá rô phi gộp lại chiếm khoảng 1/3 giá trị thủy sản giao dịch quốc tế, nhưng chỉ chiếm 8% sản lượng thủy sản nuôi toàn cầu.

Trong những thập kỷ gần đây quá trình toàn cầu hóa đã diễn ra sôi động, với thu nhập và thị trường ở phía Nam mở rộng nhanh hơn so với phía Bắc. Tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường nội địa, đặc biệt là ở châu Á, đã khiến hơn 89% sản lượng NTTS không thâm nhập vào thị trường quốc tế.

THỨC ĂN NUÔI CÁ VÀ THỦY SẢN KHAI THÁC

Trọng tâm chính của đánh giá NTTS trước đây là tỷ lệ nguyên liệu dành cho sản xuất bột cá và dầu cá hàng năm để làm thức ăn NTTS ngày càng tăng, và hậu quả là các tác động tiềm tàng trong tương lai đối với ngành khai thác và trữ lượng cá tự nhiên cũng như các hệ sinh thái biển. Nhìn chung, lượng cá dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu sau năm 1990 đã có xu hướng giảm (Hình 3), phản ánh tác động của các quy định hạn chế cường lực khai thác quá mức và hạn chế thu hoạch (ví dụ: ở Peru) để ngăn chặn việc đánh bắt vượt quá mức sản lượng bền vững tối đa.

Ngành NTTS đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên biển trong 20 năm qua. Sản lượng cá nuôi có cho ăn trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần từ năm 2000 đến năm 2017, trong khi sản lượng đánh bắt hàng năm của cá làm thức ăn gia súc được sử dụng để làm bột cá và dầu cá giảm từ 23 triệu xuống 16 triệu tấn (Hình 4). Sản lượng bột cá từ đánh bắt và tận dụng phế liệu cá trên toàn cầu giảm so với cùng kỳ từ 6,6 xuống 4,8 triệu tấn. Sản lượng dầu cá giảm từ khoảng 1,5 triệu xuống còn 1,0 triệu tấn và ổn định ở mức 1,0 triệu tấn trong suốt thập kỷ qua.

Giá bột cá và dầu cá đã tăng hơn gấp đôi trong suốt những năm 2000 và luôn cao hơn các lựa chọn thay thế dựa trên dầu thực vật kể từ năm 2012 (Hình 5). Các nhà sản xuất NTTS đã phản ứng bằng cách giảm sử dụng bột cá và dầu cá trong các công thức thức ăn chăn nuôi, và những nỗ lực này đã được củng cố bởi các mục tiêu bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Bột cá và dầu cá vẫn là những thành phần quan trọng của thức ăn cho cá, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ hiệu suất và tỷ lệ sống của ấu trùng và cá bột, nhưng hiện được sử dụng với tỷ lệ thấp hơn trong thức ăn nuôi cá thương phẩm, tôm bố mẹ và thức ăn để hoàn thiện. Tuy nhiên, tỷ trọng bột cá toàn cầu được sử dụng trong lĩnh vực NTTS (so với sử dụng cho chăn nuôi và phi thực phẩm) tăng từ 33% năm 2000 lên 69% vào năm 2016, trong khi tỷ lệ dầu cá toàn cầu được sử dụng trong NTTS tăng từ 55% lên 75%. Sự tiếp tục của xu hướng này có thể đẩy giá bột cá và dầu cá lên cao hơn, tạo thêm động lực cho những đổi mới trong thức ăn NTTS.

Hình 5. Giá thực tế và danh nghĩa của bột cá và dầu cá so với dầu và bột có gốc thực vật.
Hình 5. Giá thực tế và danh nghĩa của bột cá và dầu cá so với dầu và bột có gốc thực vật.

Bốn xu thế phát triển chính theo chuỗi cung ứng NTTS đã giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cá tự nhiên kể từ năm 2000 là: tăng trưởng nhanh về sản lượng các loài ăn tạp; cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cho tất cả các loài có cho ăn; sử dụng các thành phần protein và dầu thay thế trong thức ăn chăn nuôi nhiều hơn; và tăng cường sản xuất và sử dụng bột cá và dầu cá từ phế liệu chế biến và đánh bắt thủy sản.

Ngoài ra, những cải tiến trong công nghệ chế biến cũng đã làm tăng tỷ lệ thu hồi bột cá từ cá trổng và các loài cá nổi khác từ 22,5% lên 24% trong vài thập kỷ qua. Thu hồi dầu cá vẫn còn ở khoảng 5% đối với cá trổng và khoảng 10% đối với các loài cá béo như cá trích, cá capelin và cá chình cát, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất dầu cá ở châu Âu.

Từ năm 1997 đến năm 2017, khối lượng và tỷ trọng cá nước ngọt được sản xuất bằng thức ăn hỗn hợp, chẳng hạn như cá chép, cá rô phi và cá da trơn, đã tăng lên đáng kể, nhưng FCR cũng được cải thiện (Bảng 2). Trong khi đó, tỷ lệ bột cá đối với những loài này giảm xuống còn 1–2%, và hầu như không sử dụng dầu cá trong hầu hết các loại thức ăn thủy sản nước ngọt. Các loại thức ăn hỗn hợp cho cá biển, cá nước lợ và giáp xác vẫn có hàm lượng bột cá và dầu cá cao hơn, nhưng tỷ lệ bột cá và dầu cá của chúng giảm từ một nửa đến hai phần ba so với thời kỳ trước.

Đối với tôm, đã có sự chuyển dịch sản xuất lớn trên toàn cầu từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, ăn tạp hơn. Các chiến lược nhân giống cá hồi và cá hồi vân cùng những cải tiến về chất lượng và công thức thành phần thức ăn đã cho phép đưa lượng thức ăn tinh protein thực vật vào thức ăn cao hơn nhiều.

Việc sử dụng ngày càng nhiều phế liệu thủy sản trong sản xuất bột cá, đặc biệt đối với các loài nước ngọt có giá trị thấp, cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm sử dụng cá tự nhiên trong thức ăn kể từ năm 2000 (Bảng 2). Việc sử dụng phế liệu ước tính gấp ba lần việc sử dụng cá tự nhiên làm bột cá cho cá rô phi và cá da trơn. Ngay cả các loài nước lợ và hải sản có giá trị cao, chẳng hạn như cá hồi và tôm, cũng sử dụng tỷ lệ bột cá từ phế liệu thủy sản và cá tự nhiên trong thức ăn của chúng ngang bằng nhau. Phế liệu từ cá đánh bắt tự nhiên (ví dụ, cá ngừ ở Thái Lan) và nuôi trồng (ví dụ: cá hồi ở Na Uy, cá tra ở Việt Nam) hiện chiếm khoảng 1/3 sản lượng bột cá toàn cầu và một nửa sản lượng bột cá ở châu Âu. Việc sử dụng nhiều hơn phế liệu trong bột cá đã được ghi nhận, đặc biệt, trong các công thức thức ăn cho sản xuất cá hồi ở Na Uy và cho sản xuất tôm và cá da tra ở Thái Lan.

Cá và các loài động vật có vỏ nuôia Tổng sản lượng (103 tấn)a % sản lượng nuôi bằng thức ăn chăn nuôi a FCR trung bìnhb % bột cá khai thác trong thức ăn chăn nuôi % bột cá phế liệu trong thức ăn chăn nuôi
Cá chép (có cho ăn) 13,986 57 1.7 0.4 0.6
Rô phi 5,881 92 1.7 0.5 1.5
Tôm 5,512 86 1.6 5 5
Cá da trơn 5,519 81 1.3 0.5 1.5
Cá biển 3,098 80 1.7 8 6
Cá hồi 2,577 100 1.3 6 6
Thân mềm nước ngọt 2,536 60 1.8 5 7
Các loài cá di cư và cá nước ngọt khác 2,491 43 1.7 3 8
Cá măng 1,729 55 1.7 2
Cá hồi vân 846 100 1.3 5 4
Cá chình 259 100 1.5 25 10
Tổng cộng 44,424  

Bảng 2. Cá tự nhiên được sử dụng trong thức ăn cho 11 loại cá và động vật có vỏ nuôi.

Sự kết hợp giữa cải thiện FCR, giảm tỷ lệ bột cá và dầu cá, và tăng cường sử dụng bột cá từ phế liệu đã làm giảm tỷ lệ đầu vào của cá tự nhiên so với cá nuôi ở đầu ra (tỷ lệ cá vào/cá ra – FIFO) (Bảng 3, 4). Trên toàn cầu, FIFO là 0,28 vào năm 2017 đối với các nhóm NTTS chính phụ thuộc vào thức ăn (Bảng 1). FIFO vượt quá 1,0 đối với tôm, cá hồi, cá hồi vân và cá chình, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với FIFO được tính cho các loài này 20 năm trước. Đánh giá về NTTS và nguồn cung cấp thủy sản trên thế giới được công bố trước đây đã tính toán FIFO toàn cầu cho các loài NTTS có cho ăn là 1,9 sử dụng dữ liệu năm 1997 (FIFO theo loài là 2,81 đối với tôm; 5,16 đối với cá biển; 3,16 đối với cá hồi; 2,46 đối với cá hồi vân; 4,69 đối với cá chình, và dưới 1,0 đối với tất cả cá nước ngọt). Các tính toán trong Bảng 1 bao gồm tỷ lệ bột cá và dầu cá trong thức ăn cho các nhóm khác nhau, có thể được sử dụng để sản xuất thức ăn NTTS toàn cầu đã giải quyết một điểm tranh luận liên quan đến các tính toán FIFO trước đó.

Mặc dù việc tận dụng phế liệu đóng góp tích cực vào sản xuất bột cá toàn cầu, NTTS ở châu Á (nhất là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam) chủ yếu vẫn dựa vào cá tạp giá trị thấp từ các ngành khai thác thủy sản không thống kê (bao gồm cả cá tạp của các ngành có thống kê) như nguyên liệu sản xuất thức chăn nuôi. Năm 2017, NTTS ở châu Á đã tiêu thụ trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 6,6 triệu tấn cá giá trị thấp làm thức ăn chăn nuôi. Khoảng một phần ba lượng cá đánh bắt nội địa của Trung Quốc bao gồm các loại cá có giá trị thấp (89% cá con) được sử dụng làm thức ăn NTTS. Khai thác cá tạp làm thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đáng kể đến quần thể cá tự nhiên và hệ sinh thái biển do đánh bắt cá con và làm mất đa dạng sinh học.

Nhóm loài Tổng sản lượng tươi, nghìn tấn % phải cho ăn FCA trung bình  % FM trong thức ăn % FO trong thức ăn Tổng lượng thức ăn sử dụng Tỷ lệ tăng thức ăn (%, 1997-2017)
Tôm
1997 933 76 2 26 2 1418
2017 5512 86 1.6 10 2 7583 535
Cá hồi và cá hồi vân
1997 741 100 1.4 43 25 1037
2017 2577 100 1.3 12 10 4450 429
Cá biển
1997 646 53 2 50 15 685
2017 3098 82 1.7 14 5 4319 631
Cá chép Trung Hoa (không kể loại nuôi không cho ăn)
1997 6329 30 2 10 0 3797
2017 13986 57 1.7 1 0 13551 357
Cá rô phi
1997 931 72 2 13 1 1341
2017 5881 92 1.7 2 0 9196 686
Cá da trơn
1997 488 83 2 3 1 810
2017 5519 81 1.3 2 0 5811 717

Bảng 3. Sử dụng thức ăn nuôi cá và hiệu quả năm 1997 và 2017.

Bảng 4. Tỷ lệ sử dụng cá tự nhiên so với lượng cá nuôi cho 11 loài thủy sản nuôi (2017)
Bảng 4. Tỷ lệ sử dụng cá tự nhiên so với lượng cá nuôi cho 11 loài thủy sản nuôi (2017)

Thức ăn chăn nuôi từ biển và đất liền

Mặc dù nguồn lợi biển tiếp tục có vai trò quan trọng trong thức ăn thủy sản, việc sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật đang tăng đều đặn, tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa đất liền và biển. Ngành công nghiệp thức ăn thủy sản ngày càng trở nên phụ thuộc vào các thành phần thức ăn chăn nuôi thông thường từ các hệ thống trên cạn được giao dịch rộng rãi trên thị trường quốc tế (Hình 6).

Hình 6. Tương tác giữa biển và đất liền
Hình 6. Tương tác giữa biển và đất liền

Mũi tên màu xanh lam cho thấy dòng của các sản phẩm thủy sản từ các hệ thống nước ngọt và biển, bao gồm cả cá tự nhiên được sử dụng làm bột cá và dầu cá trong thức ăn gia súc. Mũi tên màu xanh lá cây hiển thị dòng của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên cạn. Các sản phẩm từ chế biến trên cạn và thủy sản được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi được biểu thị bằng các mũi tên đứt quãng. Trọng lượng tươi sống và sản lượng ăn được từ các nguồn thủy sản nuôi được biểu thị bằng số màu đen và màu đỏ, tương ứng. Tỷ lệ bột cá (FM) và dầu cá (FO) được sử dụng trong nuôi thủy sản và chăn nuôi cũng được hiển thị. Thức ăn thủy sản bao gồm phần lớn nguyên liệu từ nông nghiệp, đồng thời các sản phẩm từ chế biến thức ăn trên cạn và thủy sản được sử dụng làm nguyên liệu làm thức ăn cho cá. (Nguồn dữ liệu: Tỷ lệ chuyển đổi phần có thể ăn được và dữ liệu sản xuất. GHG – khí nhà kính).

Ba yếu tố đã góp phần vào việc mở rộng vai trò của hệ thống thức ăn trên cạn trong nuôi thủy sản toàn cầu là: (i) thành phần thức ăn phù hợp với cá; (ii) công thức thức ăn dựa trên các yêu cầu dinh dưỡng chính xác; và (iii) chăn nuôi để nâng cao tốc độ tăng trưởng của cá, hiệu quả sử dụng thức ăn và sức khỏe vật nuôi. Các thành phần thức ăn từ ngũ cốc và hạt có dầu là cơ sở cho thức ăn gia súc, nhưng các loài cá ăn thịt động vật sẽ khó tiêu hóa tinh bột, carbohydrate không tan hoặc chất xơ trong các thành phần này. Chúng cũng nhạy cảm hơn vật nuôi với các chất kháng dinh dưỡng và độc tố trong thành phần đạm thực vật. Các công đoạn chế biến bổ sung đã được dùng để tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn tinh từ động vật và thực vật cho cá.

Các nguồn dầu thay thế – bao gồm dầu hạt cải dầu (canola), dầu cọ và mỡ gia cầm – hiện thường được sử dụng để thay một phần dầu cá. Mặc dù cá hồi nuôi vẫn là nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, nhưng việc thay thế dầu cá bằng các loại dầu trên cạn sẽ làm giảm hàm lượng omega-3 trong philê cá hồi. Việc sử dụng các loại dầu omega-3 cao từ tảo hoặc các loại hạt có dầu biến đổi gen có thể làm giảm sử dụng dầu cá trong thức ăn cho cá hồi, trong khi vẫn duy trì lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng điều này vẫn chưa đạt hiệu quả kinh tế và bị hạn chế ở một số thị trường, bởi việc này ít được người tiêu dùng chấp nhận.

Việc thay thế bột cá và dầu cá trong thức ăn bằng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe của các loài thủy sản ăn động vật thông qua việc thay đổi hệ vi sinh vật, thay đổi hình thái ruột, thay đổi chức năng miễn dịch và tác động đến chức năng bình thường của hệ thống nội tiết và quá trình trưởng thành. Do đó, việc hướng tới chế độ ăn hoàn toàn dựa trên thực vật cho những loài này làm tăng nguy cơ dịch bệnh.

Các công cụ mới, bao gồm công nghệ thông lượng cao (metabolomics và proteomics), giải trình tự RNA, phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và giải trình tự toàn bộ bộ gen, đã được sử dụng từ năm 2000 để phát hiện và giảm thiểu những vấn đề này. Việc chọn giống thông thường và chọn giống có hỗ trợ của phương pháp đánh dấu cũng đã được ứng dụng để cải thiện tăng trưởng và sức khỏe của cá. Các kinh nghiệm chăn nuôi động vật trên cạn, đặc biệt là gia cầm, đã được dùng để thúc đẩy các chiến lược nhân giống cá. Ví dụ, cá hồi được chọn lọc di truyền đã cải thiện tăng trọng từ 10–15% mỗi thế hệ trên thức ăn hoàn toàn là protein thực vật, có thể tiêu hóa các axit amin từ protein thực vật tương tự như bột cá và không phát hiện các chứng viêm ruột ở nội tạng khi cho ăn chế độ ăn nhiều đậu nành. Nhưng những công cụ này cho đến nay mới chỉ được áp dụng cho một số loài thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao.

Cùng với sự tăng trưởng ổn định trong việc sử dụng thức ăn trong nuôi thủy sản nước ngọt, tỷ lệ ngày càng tăng của các thành phần có nguồn gốc thực vật trong các loại thức ăn nuôi thủy sản, đã dẫn đến một loạt tranh luận mới xung quanh việc sử dụng tài nguyên và tác động môi trường của sản xuất cây trồng trên cạn làm thức ăn thủy sản. Các phân tích về vòng đời chỉ ra rằng thức ăn chiếm hơn 90% tác động đến môi trường từ hoạt động nuôi thủy sản. Các nghiên cứu mô hình hóa việc thay thế bột cá bằng protein có nguồn gốc thực vật (ví dụ, protein cô đặc từ đậu nành) ở tôm và cá hồi cho thấy khả năng tăng độc tố sinh thái do sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, gia tăng áp lực đối với tài nguyên nước ngọt và đất đai, tăng lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học do phá rừng, đặc biệt là ở Brazil.

Vì vậy, các nhà sản xuất NTTS đang tìm cách tiếp thị các sản phẩm bền vững phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn về môi trường và xã hội do thực hành cho ăn. Ví dụ, từ năm 2000 đến năm 2016, ngành công nghiệp nuôi cá hồi Na Uy đã cắt giảm tỷ lệ protein từ biển trong thức ăn từ 33,5% xuống 14,5% và dầu từ biển từ 31,1% xuống 10,4%, tăng tỷ lệ protein thực vật từ 22,2% lên 40,3% và dầu có gốc trên cạn từ 0 đến 20,2%.

Mặc dù đã thành công trong việc thay thế bột cá và dầu cá bằng các chất thay thế có nguồn gốc thực vật, bao gồm đậu nành không biến đổi gen, ngành nuôi cá hồi Na Uy đã phải chịu áp lực trong việc phải xác định các nguồn thức ăn nhằm loại bỏ các thiệt hại môi trường liên quan đến việc chuyển đổi rừng sang trồng trọt ở Brazil và một bộ phận ngành này đã cấm sử dụng đậu nành Brazil trong thức ăn thủy sản.

Mặc dù một số phân khúc NTTS nhất định, như cá hồi, phải đối mặt với những thách thức về tính bền vững với nguồn cung ứng thức ăn trên cạn, nhưng tỷ trọng của thức ăn thủy sản trong toàn bộ thức ăn chăn nuôi toàn cầu là rất nhỏ – ước chỉ khoảng 4% (so với khoảng 40% đối với gia cầm, 30% đối với lợn, và 25% đối với gia súc nhai lại).

Nhiều nguyên liệu trên cạn làm thức ăn cho NTTS là các phụ phẩm, chẳng hạn như chất cô đặc protein từ hạt có dầu chiết xuất từ ​​quá trình chế biến thực phẩm, hoặc các loại bột và dầu protein được thu hồi từ quá trình chế biến gia súc và thủy sản (bao gồm cả thủy sản nuôi trồng). Việc tái chế các phụ phẩm đã qua chế biến và phế liệu thực phẩm thành nguyên liệu thức ăn có hàm lượng protein cao đã góp phần vào sản xuất lương thực bền vững trên toàn cầu, nhưng cần phân tích vòng đời để đo hết tác động môi trường ròng.

Tuy nhiên, trong tương lai, nhu cầu cây trồng trên cạn đối với thức ăn thủy sản dự kiến ​​sẽ tăng, khi mở rộng việc sản xuất cá và giáp xác trong các hệ thống nước ngọt và biển. Nhu cầu tăng cao có thể sẽ gây áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và giá thức ăn chăn nuôi. Gần đây, việc nghiên cứu các thành phần thức ăn chăn nuôi mới đã tăng và sẽ tiếp tục được mở rộng. Protein sinh vật đơn bào, bột côn trùng và vi tảo đại diện cho các công nghệ đang ở giai đoạn đầu có tiềm năng thay thế bột cá và dầu cá trong thức ăn nuôi thủy sản.

CÁC LOÀI ĂN LỌC

Các loài ăn lọc (động vật thân mềm có vỏ và rong tảo) đã tăng gấp đôi về sản lượng kể từ năm 2000 (Hình 1b) và đại diện cho lĩnh vực phát triển NTTS thứ ba. Nhuyễn thể và rong tảo chiếm 43% tổng sản lượng NTTS (trọng lượng tươi) năm 2017. Tuy nhiên, về khối lượng ăn được, nhuyễn thể và rong tảo chỉ chiếm lần lượt 6% và 7,6% trong tổng sản lượng NTTS. Các nhóm này cũng cung cấp một loạt các dịch vụ hệ sinh thái và các sản phẩm phi thực phẩm.

Động vật thân mềm có vỏ

Hiện đã có báo cáo về việc nuôi 65 loài động vật thân mềm, chủ yếu là thân mềm hai mảnh vỏ (nghêu, hàu, điệp và vẹm). Ngao Nhật Bản (Venerupis philippinarum) và hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) chiếm 2/3 tổng số. Thân mềm hai mảnh vỏ không yêu cầu cung cấp thức ăn, khiến chúng trở thành ứng cử viên hấp dẫn cho việc mở rộng thủy sản bền vững – một điểm đã được đưa ra trong bài đánh giá trước và cũng đã được tranh luận trong hơn 30 năm. Một số loài nhuyễn thể nuôi có giá trị cao như bào ngư và ốc xà cừ, là loài ăn thực vật và phụ thuộc vào thức ăn, nhưng chúng chỉ chiếm 2,4% sản lượng nhuyễn thể nuôi.

Sản lượng nhuyễn thể nuôi trên toàn cầu tăng với tốc độ hàng năm 3,5% từ năm 2000 đến năm 2017, thấp hơn so với cá nuôi (5,7%) và động vật giáp xác (9,9%). Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nghề nuôi hai mảnh vỏ đã mở rộng đáng kể để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ năm 2005 đến 2014, khối lượng điệp tăng 80,4%, nghêu tăng 40,8%, hàu tăng 30% và vẹm tăng 19%. Trung Quốc là nước tiêu thụ và sản xuất nhuyễn thể lớn nhất, chiếm 84% sản lượng nuôi toàn cầu trong năm 2017.

Ngoài việc dùng làm thực phẩm, động vật thân mềm nuôi được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm công nghiệp, chẳng hạn như phân bón, vật liệu xây dựng, thịt gia cầm, dược phẩm và thực phẩm chức năng. Hai mảnh vỏ cũng có chức năng quan trọng trong hệ sinh thái đáy và ven biển. Bằng cách lọc thực vật phù du và tích tụ nitơ và phốtpho, chúng loại bỏ chất dinh dưỡng từ môi trường xung quanh. Ngoài ra, nuôi thủy sản thân mềm có thể cung cấp cấu trúc môi trường sống, ổn định bờ biển và thu nhập cho các cộng đồng ven biển. Tuy nhiên, vai trò của các mảnh ghép hai mảnh vỏ như một bể chứa carbon hoặc nguồn vẫn chưa rõ ràng, và nghiên cứu nhằm mục đích đo lường khả năng hấp thụ cacbon và hiệu suất của hệ thống từ các hệ thống này đang được tiến hành.

Dịch vụ hệ sinh thái được công nhận rộng rãi nhất của nuôi động vật thân mềm có vỏ là đồng hóa các chất dinh dưỡng dư thừa từ các hoạt động của con người, ví dụ, nông nghiệp, NTTS và xả nước thải. Thân mềm hai mảnh vỏ lọc một lượng lớn nước hàng ngày, khả năng tác động của chúng phụ thuộc vào loài và khu vực cụ thể. Khai thác chất dinh dưỡng có hai chế độ: thu hoạch và loại bỏ hai mảnh vỏ, và tăng quá trình khử nitơ gần các quần thể hai mảnh vỏ hoang dã hoặc trang trại nuôi nhuyễn thể mật độ cao.

Khả năng giảm thiểu hiện tượng phú dưỡng trong nước ven biển của động vật hai mảnh vỏ đòi hỏi sản xuất quy mô lớn và sự giảm đáng kể chất dinh dưỡng tại nguồn cũng cần thiết trong hầu hết các trường hợp. Các nỗ lực đã được thực hiện để giới thiệu các thị trường mới cho động vật hai mảnh vỏ, tạo ra các khoản tín dụng bù đắp cho ô nhiễm không rõ nguồn, nhưng các thị trường này vẫn chưa phát triển về quy mô.

Mặc dù hai mảnh vỏ có thể tăng cường khả năng lọc nước và độ trong của nước, chúng cũng hấp thụ vi rút, vi khuẩn, tảo độc và các phần tử hữu cơ ô nhiễm từ môi trường xung quanh. Do đó, rủi ro về an toàn thực phẩm rất cao đối với động vật thân mềm được nuôi trong môi trường ô nhiễm. Hơn nữa, việc đưa mật độ lớn các loài hai mảnh vỏ ăn lọc vào một môi trường sống, dù là nuôi lơ lửng hay nuôi đáy, đều có khả năng gây ra những thay đổi tiêu cực về chất lượng nước và hệ sinh thái đáy (ví dụ: sự cạn kiệt của thực vật phù du và các chất rắn lơ lửng, và sự gia tăng cục bộ ở tốc độ lắng thông qua quá trình lắng đọng sinh học) và có thể gây ra các nguy cơ bệnh dịch nghiêm trọng.

Hầu hết các tác động tiêu cực của nghề nuôi hai mảnh vỏ đặc trưng cho từng địa điểm nuôi và loài cụ thể, và không phổ biến. Các tác động tiêu cực đến môi trường có thể xảy ra nếu hệ thống nuôi quá dày đặc, bố trí không phù hợp hoặc quản lý không bền vững, như được chỉ ra trong một số trường hợp nhất định ở Trung Quốc. Đánh giá ảnh hưởng của việc nuôi hai mảnh vỏ đối với môi trường xung quanh có lẽ là một quá trình phức tạp. Tuy nhiên, cũng như trong nhiều hệ thống NTTS, việc áp dụng các mô hình đánh giá sức tải môi trường và các thực hành quản lý tốt nhất được sửa đổi thường xuyên đã liên tục cải thiện tính bền vững của nuôi nhuyễn thể.

Rong tảo

Kể từ năm 2000, rong tảo (chủ yếu là tảo lớn và rong biển) ngày càng được đánh giá cao trong việc cải thiện dinh dưỡng, sử dụng công nghiệp và các dịch vụ hệ sinh thái, ngay cả ở các khu vực ngoài Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số vùng Nam Mỹ, nơi rong tảo biển đã được dùng làm thực phẩm trong nhiều thế kỷ. Sản lượng rong tảo và thực vật thủy sinh trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần từ 10 triệu tấn sinh khối tươi năm 2000 lên hơn 32 triệu tấn năm 2017, trong đó rong tảo trồng đóng góp hơn 97% sản lượng. Trong số 32 triệu tấn rong tảo trồng, 99% được sản xuất ở châu Á có từ 31% đến 38% được tiêu thụ trực tiếp làm thực phẩm (Bảng 5). Phần lớn rong tảo được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm làm chất phụ gia polysaccharide và thực phẩm chức năng, và trong lĩnh vực phi thực phẩm như các loại keo thủy sinh hydrocolloid trong các sản phẩm dinh dưỡng, dược phẩm và mỹ phẩm, và ở các mức giá trị thấp hơn như phân bón, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học, nhựa sinh học và các sản phẩm công nghiệp khác.

Bảng 5. Sản lượng rong biển toàn cầu và tỷ lệ sử dụng làm thực phẩm (2017)
Bảng 5. Sản lượng rong biển toàn cầu và tỷ lệ sử dụng làm thực phẩm (2017)

Nghiên cứu trong những thập kỷ gần đây đã khám phá tiềm năng của tảo biển để thay thế cho cây trồng và động vật trên cạn về lượng protein, chất béo (omega 3) và năng lượng – giảm bớt áp lực lên tài nguyên nước ngọt, đất và đa dạng sinh học – nhưng cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy rong tảo biển có thể đóng góp đáng kể vào lượng dinh dưỡng đa lượng của con người. Nhiều nghiên cứu đã làm nổi bật các thuộc tính vi chất dinh dưỡng và cảm quan của rong tảo biển để tiêu thụ trực tiếp cho con người hoặc làm thực phẩm chức năng, nhưng rất khó định lượng lợi ích do sự thay đổi giữa các loài, mùa vụ và môi trường vùng ven biển và thiếu bằng chứng khoa học rõ ràng về tính khả dụng sinh học dinh dưỡng và các quá trình chuyển hóa liên quan đến tiêu thụ rong tảo. Nghiên cứu đã xem xét việc sử dụng sinh khối vi tảo trong thức ăn NTTS như một sự thay thế cạnh tranh về chi phí cho bột cá và việc sử dụng tảo lớn trong thức ăn chăn nuôi bò sữa và gia súc để giảm phát thải khí mêtan, nhưng những loại thức ăn này vẫn chưa phát triển thương mại ở quy mô lớn.

Giống như NTTS các loài thân mềm, trồng rong biển được công nhận rộng rãi vì các giá trị dịch vụ hệ sinh thái ngoài việc cung cấp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên các nhà sản xuất vẫn chưa thể thu được giá trị này trong lợi nhuận tài chính. Xử lý sinh học là dịch vụ sinh thái chính được xem xét trong tài liệu. Một số hệ thống trồng rong biển được bón phân bổ sung (ví dụ: ở các vùng ven biển có hàm lượng dinh dưỡng thấp, dù việc bón phân được quy định ở Nhật Bản và Hàn Quốc). Nghiên cứu cũng đang tiến hành đánh giá vai trò của việc trồng rong biển trong việc giảm thiểu axit hóa đại dương, hấp thụ carbon và tăng cường đa dạng sinh học. Tại Trung Quốc, các nghiên cứu cho thấy trồng rong biển quy mô lớn có hiệu quả trong việc giảm mức nitơ, kiểm soát sự nở hoa của thực vật phù du và hạn chế tần suất nở hoa của tảo độc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khác biệt đáng kể trong tiềm năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rong biển phụ thuộc các hệ thống, mùa vụ và quy mô trồng.

Trồng rong biển thua xa các ngành thực phẩm khác trong việc chọn giống, quản lý mầm bệnh và tối ưu hóa hệ thống sản xuất đối với các điều kiện dinh dưỡng, ánh sáng và nhiệt độ. Sự bùng phát vi khuẩn và vi rút đặc biệt cao trong các hệ thống trồng rong biển thâm canh, nơi quản lý dịch bệnh có thể chiếm tới 50% biến phí của trang trại. Cần có những giống rong biển mới có tiềm năng năng suất cao hơn, kháng bệnh, chất lượng dinh dưỡng và thuộc tính tiêu dùng để đảm bảo tăng trưởng sản xuất và tăng giá trị cho ngành.

Nhìn chung, tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển cho ngành công nghiệp rong biển vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng trong những thập kỷ gần đây. Một số ngoại lệ chính bao gồm thành công của Trung Quốc trong việc trồng rong biển chứa alginate (Saccharina japonica, còn có tên là Laminaria japonica) và việc mở rộng trồng rong biển chứa agar (Gracilaria) trên quy mô lớn. Ngành công nghiệp này vẫn còn rất nhỏ lẻ phân tán bên ngoài châu Á (nhất là Trung Quốc và Indonesia), và giá cả cạnh tranh hạn chế doanh thu ròng và các động lực cho đổi mới.

Giá trị trong ngành công nghiệp rong biển có thể được nâng cao thông qua việc áp dụng phương pháp chế biến “lọc sinh học”, trong đó các sản phẩm có giá trị nhất từ ​​sinh khối tảo được chiết xuất tuần tự, để lại nguyên liệu còn lại cho mục đích sử dụng hàng hóa và giảm thiểu chất thải, năng lượng đầu vào và tác hại đến môi trường. Cách tiếp cận này đã thành công trong nhiều phân khúc khác nhau của nông nghiệp trên cạn. Các sáng kiến ​​toàn cầu mới nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng rong biển sẽ cần giải quyết các hạn chế quan trọng về xã hội, kinh tế và quy định, bao gồm các hoạt động chuỗi cung ứng phi đạo đức, cân nhắc về an toàn thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng hạn chế.

NHỮNG THÁCH THỨC DAI DẲNG

Trong 20 năm qua, các xu hướng trong sản xuất và môi trường của NTTS là tích cực. Việc chuyển đổi môi trường sống bị hủy hoại, đặc biệt là do nuôi tôm trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn được nêu trong đánh giá trước, đã được giảm rõ rệt kể từ năm 2000. Tuy nhiên, những thách thức đối với ngành vẫn tồn tại, bao gồm tác động của tác nhân gây bệnh, ký sinh trùng và động vật gây hại (PPP), ô nhiễm, tảo nở hoa có hại, và biến đổi khí hậu.

Ngành NTTS ngày càng trở nên dễ bị tổn thương bởi những yếu tố này do sự mở rộng nhanh chóng của nó, sự phụ thuộc vào môi trường xung quanh và thế giới đang thay đổi trong đó tất cả các hệ thống thực phẩm hoạt động.

Tác nhân gây bệnh, ký sinh trùng và động vật gây hại

Tác nhân gây bệnh, ký sinh trùng và động vật gây hại (PPP) là nguy cơ kinh niên đối với ngành NTTS, và việc tăng cường sản xuất, thương mại và tích hợp chuỗi cung ứng kể từ năm 2000 đã làm gia tăng những rủi ro này.

Các loài thủy sản nuôi khác nhau về khả năng phòng vệ, và mặc dù động vật không xương sống thiếu khả năng miễn dịch thích ứng như cá, nhưng hệ thống miễn dịch bẩm sinh của chúng – chắc chắn không đơn giản hoặc đồng nhất – vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Ruột là một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch đối với cá, cho phép chế độ ăn uống và những thay đổi trong hệ vi sinh ảnh hưởng đến tính nhạy cảm và khả năng đề kháng của cá đối với bệnh tật, trong khi các cộng đồng vi sinh vật bên ngoài cực kỳ quan trọng đối với tình trạng sức khỏe của động vật không xương sống.

Đối với hầu hết các loài có giá trị cao và được buôn bán rộng rãi, đã có những tiến bộ đáng kể trong xác định, chẩn đoán và điều trị PPP trong 20 năm qua, một phần xuất phát từ những đổi mới trong nông nghiệp và y học. Song các phương án quản lý dịch bệnh dựa trên khoa học phần lớn vẫn chưa khả dụng đối với nhiều loài thủy sản nuôi có giá trị thấp và các vùng thu nhập thấp do thiếu sản phẩm thích hợp và chi phí cao. Các mạng lưới toàn cầu, như Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), đã được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến ​​thức khoa học.

Trong những thập niên gần đây ngành NTTS đã đối phó với áp lực PPP bằng nhiều cách tiếp cận. Việc áp dụng các phương pháp quản lý tốt nhất (ví dụ, đối với lựa chọn địa điểm và hệ thống, mật độ nuôi, luân chuyển loài, chất lượng đàn bố mẹ và thức ăn, lọc, độ sạch của ao và lồng, theo dõi và loại bỏ ký sinh trùng, tiêu hủy, khoanh vùng và giám sát) đã là các công cụ quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro PPP trên tất cả các loại hệ thống sản xuất. Một khi mầm bệnh, ký sinh trùng hoặc động vật gây hại đã được ghi nhận trong một hệ thống nhất định, việc phòng tránh thông qua các biện pháp an toàn sinh học là hành động quản lý chính cho hầu hết các nhà sản xuất NTTS. Trong những hệ thống mà dịch bệnh động vật gây ra các chu kỳ bùng nổ dịch, đã sử dụng các loài có khả năng chống chịu cao hơn, miễn là có thị trường tiêu thụ. Ví dụ, Thái Lan đã chuyển từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, phần lớn là do các vấn đề với các bệnh truyền nhiễm, cụ thể là bệnh đốm trắng và hội chứng tăng trưởng chậm ở tôm sú.

Việc sử dụng các chất hóa học để ngăn ngừa và xử lý mầm bệnh – bao gồm cả chất kháng khuẩn – đã trở thành một thực tế phổ biến trong nhiều hệ thống NTTS. Hiện chưa có dữ liệu toàn diện về bản chất và quy mô của việc sử dụng các loại hóa chất kháng khuẩn để chữa bệnh trong nhiều lĩnh vực NTTS, và trên thế giới đều tồn tại cả thực hành tốt và không tốt. Mặc dù việc sử dụng chất điều trị không đúng cách có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng, người nuôi, vật nuôi và các hệ sinh thái xung quanh (nhất là với các hệ thống mở), việc sử dụng sai chất kháng khuẩn trong NTTS là vấn đề cần đặc biệt chú ý, vì có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm và lan truyền các gen và vi khuẩn kháng thuốc.

Thay vào đó, người ta đã đầu tư lớn vào việc nhân giống chọn lọc để kháng bệnh ở một số loài thủy sản nuôi nhất định, nhưng con đường này rất tốn kém và không thể dễ dàng nhân rộng cho nhiều loài. Các vắcxin đa giá có hiệu quả cũng đã được cung cấp cho một số loài giá trị cao như cá hồi và cá hồi vân, và cho thấy hứa hẹn cho việc nhân rộng trong nuôi các loài hải sản nếu phát triển được hệ thống ứng dụng hiệu quả và chi phí thấp (ví dụ: uống hoặc tắm). Các loại vắcxin được phát triển cho cá hồi nuôi đã làm giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh lên tới 95% ở Na Uy, Anh, Ireland và Canada, nhưng tỷ lệ sử dụng kháng sinh tại Chile vẫn cao.

Quản lý nước tiên tiến thông qua các hệ thống NTTS tuần hoàn, đại diện cho một công nghệ quan trọng nhưng khá tốn kém, để kiểm soát PPP. Ngoài ra, việc bổ sung thức ăn với các chất dinh dưỡng, chiết xuất thực vật, prebiotics và chế phẩm sinh học được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng và khả năng miễn dịch của cá và đóng vai trò như một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho thuốc kháng sinh – chủ yếu trong các hệ thống sản xuất giá trị cao, nhưng cũng ngày càng tăng trong các hệ thống nước ngọt có giá trị thấp hơn ở Đông Nam Á.

Ngay cả trong các lĩnh vực mà các khoản đầu tư và tiến bộ lớn đã được thực hiện trong việc phát hiện, phòng tránh và xử lý PPP, các mối đe dọa mới thường xuyên xuất hiện. Ví dụ: ngành công nghiệp nuôi cá hồi đã kiểm soát thành công một số bệnh, chẳng hạn như vi rút hoại tử tuyến tụy truyền nhiễm và bệnh thiếu máu cá hồi truyền nhiễm, nhưng các bệnh ký sinh trùng khác (ví dụ: hội chứng rickettsia ở cá hồi và rận biển) vẫn gây tốn kém cho nhiều nhà sản xuất và gây thiệt hại cho cá hồi tự nhiên vì các lựa chọn điều trị hoặc không có sẵn hoặc sinh vật đích đã trở nên kháng điều trị. Tương tự, dù đã chuyển từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, các bệnh mới nổi như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, vi rút phát sáng ở tôm và ký sinh trùng có túi tiểu bào tử (Enterocytozoon hepatopenaei) đã dẫn đến thiệt hại về sản lượng đáng kể và chi phí kinh tế kéo dài cho ngành công nghiệp tôm.

Khi sản xuất NTTS mở rộng sang các vùng địa lý mới, bùng phát PPP và rủi ro đối với sức khỏe con người từ các phương pháp quản lý điều trị có thể tăng lên, đặc biệt là ở các vùng thu nhập thấp. Các nghiên cứu cũng dự báo nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong NTTS và tình trạng kháng thuốc kháng sinh liên quan đến việc quản lý dịch bệnh do sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, việc định lượng các xu hướng trong quan hệ PPP phức tạp do có sự khác biệt giữa các quy định về giám sát và điều trị dịch bệnh quốc gia và quốc tế, đồng thời thiếu dữ liệu cho hầu hết các loài nuôi trồng và vùng sản xuất. Trong trường hợp không có dữ liệu đáng tin cậy, tỷ lệ mắc và quản lý PPP trong toàn ngành NTTS toàn cầu đang và sẽ vẫn rất khó dự đoán.

Tảo nở hoa có hại và biến đổi khí hậu

Các vụ tảo nở hoa gây hại đang gia tăng trên toàn cầu về tần suất, cường độ, thời gian, phạm vi địa lý và thành phần loài, và phần lớn là do các quá trình hoạt động của con người gây ra. Chúng xuất hiện ở các khu vực NTTS trên toàn thế giới, và ảnh hưởng của chúng đến sản lượng rất khác nhau tùy thuộc vào các tác động cụ thể của loài. Các hệ thống nuôi cá và giáp xác thâm canh và được quản lý kém có thể góp phần vào sự xuất hiện của tảo có hại, và nhuyễn thể có vỏ, nhím biển và hải sâm là những vật trung gian phổ biến cho vi tảo độc.

Các chất độc do tảo nở hoa gây ra thiệt hại kinh tế lớn đối với nhiều bộ phận của ngành nơi mà việc giám sát và quản lý không hiệu quả. Các đợt bùng phát lớn của vi khuẩn Pseudochattonella và Karenia ở miền nam Chile vào năm 2016 đã khiến 40.000 tấn cá hồi chết và phải đóng cửa một số hoạt động nuôi cá hồi, vẹm và bào ngư trong 2 năm vì rủi ro về an toàn thực phẩm, gây thiệt hại kinh tế khoảng 800 triệu đô la Mỹ.

Những thiệt hại do khí hậu gây ra đối với năng suất và sinh kế NTTS chủ yếu xuất phát từ việc tăng nhiệt độ quá mức tối ưu, nước biển dâng (xâm nhập mặn), thiệt hại cơ sở hạ tầng, hạn hán gây thiếu nước ngọt, và chi phí thức ăn gia tăng liên quan đến năng suất vật nuôi thấp hơn và sử dụng cá tạp làm thức ăn gia súc. Rủi ro đối với cơ sở hạ tầng NTTS thường thúc đẩy đầu tư vào các hệ thống và những vùng địa lý được bảo vệ tốt hơn.

Ngoài ra, hiện tượng axit hóa đại dương ảnh hưởng đến sản xuất động vật có vỏ, chủ yếu ở giai đoạn sống của ấu trùng, được quản lý thông qua điều chỉnh độ pH trong trại giống. Các tài liệu hiện cá chưa cho phép đánh giá khái quát về những thiệt hại của quá trình axit hóa đại dương đối với NTTS có vỏ, do thiếu dữ liệu được ghi lại về các phản ứng cụ thể của từng loài, dữ liệu quá thưa, các kết quả thực nghiệm không đồng đều và có vấn đề, và sự phức tạp của các phương thức mà qua đó các loài bị ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng những bất ổn về PPP và hiện tượng tảo nở hoa gây hại trong NTTS, nhưng việc dự đoán vẫn chưa chắc chắn. Nhìn chung, các nghiên cứu khoa học về tương tác khí hậu – NTTS vẫn dựa trên dữ liệu thí nghiệm hoặc mô hình hóa, mà vẫn chưa được xác thực cho NTTS thương mại và do đó vẫn mang tính suy đoán. Không có dữ liệu liên thông về sản lượng do ảnh hưởng của khí hậu và thiệt hại kinh tế trong NTTS ở quy mô khu vực hoặc toàn cầu, và kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào các phản ứng để thích ứng.

ỨNG PHÓ VỚI CÁC THÁCH THỨC

Ngày càng chú ý nhiều hơn đến quản lý dựa trên hệ sinh thái, thiết kế hệ thống, và các hình thức quản trị khu vực công và tư mới để quản lý rủi ro sinh học và khí hậu, đồng thời khuyến khích sản xuất NTTS bền vững. Ở Trung Quốc, việc áp dụng NTTS đa loài tích hợp (IMTA) đã cho thấy khả năng xử lý sinh học cao, nhưng trên toàn cầu lại có thành công thương mại hạn chế mặc dù đã có sự quan tâm nghiên cứu đáng kể. Các hệ thống NTTS tuần hoàn và nuôi biển xa bờ có tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Các hệ thống NTTS tuần hoàn

Hệ thống NTTS tuần hoàn được thiết kế để kiểm soát mọi khía cạnh môi trường của quá trình sản xuất bằng cách liên tục lọc, xử lý và tái sử dụng nước, do đó tăng hiệu quả hoạt động và giảm rủi ro PPP và biến đổi khí hậu. Các hệ thống NTTS tuần hoàn có yêu cầu về đất và nước thấp hơn so với NTTS thông thường và cho phép mật độ nuôi cao hơn, nhưng có đòi hỏi năng lượng lớn, chi phí sản xuất cao, thách thức xử lý chất thải và nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng.

Các công nghệ của hệ thống NTTS tuần hoàn thường được sử dụng khi lợi thế về năng suất của thủy sản nuôi vượt trội hơn sự gia tăng chi phí, ví dụ, đối với nuôi cá bố mẹ, nuôi thủy sản ở các giai đoạn đầu dễ bị tổn thương, và gần đây là đối với sản xuất cá hồi trọn vòng đời. Các ứng dụng của hệ thống NTTS tuần hoàn trong mương nước chảy và hệ thống ao kênh để nuôi tôm cũng có hiệu quả về chi phí ở nhiều vùng nuôi có rủi ro cao về dịch bệnh và chất lượng nước.

Các hoạt động nuôi thương phẩm sử dụng công nghệ NTTS tuần hoàn đang dần tập trung vào các loài thủy sản có giá trị thị trường cao, quy trình sản xuất được thiết lập và mô hình sản xuất đủ lớn để đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, so với các hệ thống sản xuất khác, khả năng cạnh tranh của các hệ thống NTTS tuần hoàn để nuôi thương phẩm vẫn chưa chắc chắn, và đã có một số thất bại ở Bắc Mỹ và Châu Âu và có ít thành công thương mại quy mô lớn.

Nuôi biển xa bờ

Nuôi biển xa bờ ở các vùng nước sâu và vùng biển mở được thiết kế để sản xuất khối lượng lớn thủy sản, đồng thời giảm thiểu các trở ngại về đất và nước ngọt cũng như các tác động môi trường vùng ven biển, như ô nhiễm chất dinh dưỡng và sự tác động của rận biển. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn cẩn thận để tránh xung đột với các mục đích sử dụng biển khác và để đảm bảo việc pha loãng chất thải một cách hiệu quả, đặc biệt là đối với các hệ thống quy mô lớn.

Na Uy và Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực nuôi biển xa bờ với sự ra đời của các lồng chìm khổng lồ. Với chi phí vốn lớn và tỷ lệ hoàn vốn rủi ro cao, nuôi biển xa bờ ở các nước khác chủ yếu chỉ giới hạn trong các hoạt động thí điểm quy mô nhỏ, nuôi các loài thủy sản ăn động vật có giá trị kinh tế cao.

Môi trường ngoài khơi đặt ra hàng loạt thách thức về hoạt động (ví dụ: độ sâu nước, dòng chảy mạnh, sóng và bão), và cũng đã tạo ra một số phương pháp thiết kế mới. Các quy định của chính phủ (nhất là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu) đã hạn chế sự phát triển thương mại của nuôi biển xa bờ, gây tranh luận về tương tác của nó với môi trường biển, thiệt hại sinh thái tiềm ẩn và việc sử dụng cạnh tranh tài nguyên đại dương và thiên nhiên.

Quản trị

Khát vọng cải thiện hiệu quả môi trường và xã hội của các hoạt động và công nghệ NTTS đã dẫn đến sự xuất hiện của sự kết hợp mới giữa quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn công và tư; tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ quản lý này đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu mở rộng địa bàn, tăng sản lượng và sự đa dạng của các hệ thống NTTS. Việc thực hiện không đồng nhất các quy định của chính phủ đã dẫn đến sự chênh lệch giữa các vùng trong sản xuất, tăng trưởng và thiết kế hệ thống.

Hình 7. Tỷ lệ của sản phẩm các NTTS toàn cầu đã được chứng nhận hoặc xếp hạng

Để đối phó với tình trạng thừa và thiếu quy định, đã xuất hiện một số loại hình thỏa thuận quản trị tư nhân với mục đích định hình nhu cầu về sản xuất NTTS hữu cơ, “công bằng” và bền vững. Ví dụ, các tổ chức phi chính phủ và các công ty tư nhân đã đưa ra 30–50 chương trình ghi nhãn, chứng nhận và xếp hạng tự nguyện.

Chứng nhận ở cấp trang trại đang thiết lập các tiêu chuẩn mới cho NTTS bền vững trên toàn cầu, nhưng vai trò của chứng nhận vẫn bị hạn chế bởi mức độ tuân thủ của người sản xuất thấp (đang phát triển). Hai tổ chức chứng nhận lớn nhất – Hội đồng Quản lý NTTS (ASC) và Tiêu chuẩn Thực hành NTTS Tốt nhất của Liên minh NTTS Toàn cầu (GAA-BAP) – chỉ chiếm 3% sản lượng NTTS toàn cầu (Hình 7). Mức độ tuân thủ thấp được cho là do không đủ tài chính, do nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận vẫn đang thấp, do trình độ dân trí kém và không đủ kỹ năng hành chính cần thiết để giám sát và báo cáo, và rủi ro sản xuất môi trường nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất.

Hình 8. Tình hình chứng nhận và xếp hạng các nhóm sản phẩm.
Hình 8. Tình hình chứng nhận và xếp hạng các nhóm sản phẩm.

Các sách hướng dẫn người tiêu dùng như US Seafood Watch đã đánh giá hơn 53% sản lượng toàn cầu (Hình 8). Các xếp hạng này là không tự nguyện và dựa trên các đánh giá trên quy mô rộng ở cấp ngành hoặc cấp khu vực.

Sản phẩm được chứng nhận và đánh giá là các loài thủy sản xuất khẩu chủ lực. Nhìn chung, 57% cá hồi và cá hồi vân, 17% tôm, 17% cá tra và 11% cá rô phi đã được chứng nhận (Hình 8), với mức độ tuân thủ cao hơn được quan sát ở các quốc gia có tỷ lệ tích hợp theo chiều dọc chuỗi cung ứng lớn hơn. Do lo ngại về an toàn thực phẩm, nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm bền vững tại các thị trường thủy sản châu Á hình như cũng đang tăng lên, và điều này là cần thiết để đảm bảo cho hệ thống đánh giá và chứng nhận NTTS có hiệu quả trên toàn cầu.

Các quốc gia có thể gia tăng thành công cho các thỏa thuận quản trị tư nhân bằng cách cung cấp khả năng, nguồn lực và quy định tối thiểu để hỗ trợ các cải tiến trong thực hành nông nghiệp. Cả chứng nhận và hướng dẫn người tiêu dùng hiện đã bắt đầu chuyển sang các hình thức quản trị ‘kết hợp’, tích hợp các công cụ đánh giá tư nhân vào các đơn vị quản lý không gian được quản lý với sự cộng tác của người mua và các cơ quan quản lý nhà nước. Các hình thức quản lý ‘ngoài trang trại’ này nhằm mục đích thúc đẩy nhiều hơn các nhà sản xuất quy mô lớn và nhỏ trong một khu vực nhất định để giảm thiểu rủi ro PPP, rủi ro khí hậu và các rủi ro sinh thái khác. Chúng hướng tới việc tránh xung đột không gian, thúc đẩy thương mại các dẫn xuất sinh học và tạo ra các thị trường dịch vụ khí hậu và hệ sinh thái mới. Chúng cũng có thể tạo ra sự minh bạch và tin cậy hơn đối với các sản phẩm NTTS xuất khẩu từ các nước đang phát triển và tạo ra các lộ trình cải thiện toàn diện cho 90% sản lượng NTTS không hướng đến thị trường xuất khẩu.

DỰ BÁO

Trong 20 năm qua, lĩnh vực NTTS đã phát triển từ một vị thế tương đối nhỏ sang đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống lương thực toàn cầu. Các tài liệu về NTTS phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đến các kết quả của hệ thống thực phẩm, với người tiêu dùng, chuỗi giá trị và các tiêu chí bền vững đang dần định hình hướng đi của ngành. Tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Bài đánh giá tổng quan này nêu 3 loại mô hình.

Thứ nhất, cá nước ngọt có vai trò trung tâm trong sản xuất toàn cầu, đóng góp nhiều hơn bất kỳ ngành NTTS nào khác vào tổng sản lượng (tươi sống và ăn được), sinh kế nông thôn và an ninh lương thực trong suốt hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, hầu hết cá nước ngọt nuôi không tham gia vào thị trường toàn cầu, nên hiện tại các nhà sản xuất có rất ít động lực để tham gia vào các hoạt động bền vững đạt thứ hạng cao, được chứng nhận hoặc công nhận.

Thứ hai, những cải tiến rõ rệt đã được thực hiện về mặt hiệu quả sử dụng tài nguyên biển trên tất cả các loài được cho ăn và về dinh dưỡng vật nuôi. Trong lĩnh vực này có thể sẽ khó đạt được những lợi ích lớn hơn nữa và sẽ tốn kém hơn nếu muốn tiếp tục cải thiện đối với các loài thủy sản ăn động vật, nhưng chi phí bột cá và dầu cá ngày càng tăng và quan hệ với việc hạn chế tài nguyên biển sẽ tạo ra động lực liên tục cho sự đổi mới.

Thứ ba, việc lựa chọn kỹ các hệ thống nuôi là nền tảng bảo đảm thành công về thương mại và môi trường của ngành NTTS. Hầu hết các hệ thống NTTS nước ngọt và biển đều tương tác với môi trường nước xung quanh, cả hai đều được hưởng lợi và đều có tác động gây hệ quả đến môi trường xung quanh. Việc lựa chọn và mở rộng quy mô một cách thận trọng là điều cần thiết để tối đa hóa các dịch vụ hệ sinh thái được việc nuôi các loài ăn lọc và để giảm thiểu những trở ngại quan trọng liên quan đến PPP, ô nhiễm vùng ven biển và biến đổi khí hậu.

Sự đa dạng của các hệ thống NTTS giữa các loài, vùng địa lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng cản trở sự xây dựng một chiến lược thống nhất để đạt được các sản phẩm bền vững và lành mạnh. Hệ thống quản trị cần được thiết kế với các mục tiêu rõ ràng, được cung cấp thông tin khoa học, nhưng không nên có các tiêu chuẩn và quy định áp đặt để thực hiện các mục tiêu đó. Sự linh hoạt như vậy là cần thiết để hỗ trợ khả năng đổi mới của các ngành, chính phủ và tổ chức phi chính phủ trong khi vẫn cung cấp các đầu ra và yêu cầu rõ ràng về giám sát, báo cáo, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ngành NTTS sẽ tiếp tục đối mặt với những bất ổn lớn trong tương lai, bao gồm biến đổi khí hậu, áp lực PPP đang gia tăng, đại dịch, thị trường bị gián đoạn và thay đổi hệ thống lương thực trên diện rộng hơn.

Nhìn về tương lai, việc xây dựng các quy hoạch không gian hiệu quả và việc quy định về các địa điểm NTTS sẽ là điều tối quan trọng để đạt được các kết quả tích cực về môi trường, đặc biệt là khi quy mô và cường lực sản xuất của các hệ thống NTTS tăng lên. Ngành công nghiệp NTTS đang nghiên cứu các công nghệ tuần hoàn và công nghệ nuôi xa bờ để giảm tiếp cận và tác động đến môi trường nước; tuy nhiên, các hệ thống này yêu cầu phải đổi mới các phương thức quản lý tài chính và môi trường để có được cơ hội thành công lớn hơn. Ngoài ra, cần đầu tư vào một loạt các chiến lược phòng ngừa PPP trên các lĩnh vực NTTS khác nhau, thừa nhận rằng phần lớn các biện pháp xử lý sau khi các vấn đề PPP đã phát sinh là vô ích.

Cuối cùng, các chính sách và chương trình tương lai để thúc đẩy NTTS đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống về chuỗi thức ăn, xem xét các khía cạnh dinh dưỡng, sự công bằng, công lý, các tác động môi trường và hoán đổi giữa đất liền và biển. Các công cụ như phân tích vòng đời cần phải được hoàn thiện và triển khai để đảm bảo tính so sánh giữa chăn nuôi trên cạn với NTTS, trên cơ sở giá trị dinh dưỡng và hệ quả môi trường toàn cầu. Nghiên cứu theo hướng này, được nâng cao qua các nghiên cứu mới bao gồm Đánh giá Thực phẩm Xanh đang diễn ra, chắc chắn sẽ được tư liệu hóa trong đánh giá 20 năm tới. Hệ thống NTTS có thể được thiết kế và thực hiện để có tính bền vững cao. Tầm cỡ của nhân tố con người sẽ chứa đựng cả cơ hội và thách thức.

Việt Phương dịch

Nguồn: Nature Volume 591, pages 551–563 (2021)

Bài liên quan

Để lại bình luận

* Khi sử dụng form này, bạn đã đồng ý với việc để trang thu thập dữ liệu.

Trang sử dụng cookies để nâng cao trải nghiệm người dùng. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không làm phiền bạn. Chấp nhận Đọc thêm