Vươn Khơi

Cần làm tốt công tác bảo tồn rạn san hô biển

Rạn san hô có vai trò rất quan trọng với đại dương, với loài người. Gìn giữ và bảo vệ nó thật không đơn giản nhưng cần phải thực hiện bằng được. Rất cần có sự chung tay của cộng đồng và những giải pháp hữu hiệu từ các nhà quản lý biển. Đó là chia sẻ của TS. Dư Văn Toán, Trưởng phòng Khoa học biển và Biến đổi khí hậu, Viện nghiên cứu biển và Hải đảo với phóng viên tạp chí Vươn Khơi.

  • Xin ông cho biết những mối nguy mà các rạn san hô dưới đáy đại dương ở nước ta đang phải đối mặt?

TS. Dư Văn Toán: Các hoạt động phát triển kinh tế như du lịch, đánh bắt cá ở vùng ven biển hết sức sôi động, đa dạng; đôi nơi, đôi lúc có biểu hiện phát triển “nóng”, ưu tiên cho sự phát triển hơn là bảo tồn. Bên cạnh những lợi ích thu được trong ngắn hạn, các hoạt động phát triển kinh tế gần đây đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đến số phận của các khu bảo tồn biển. Đó là các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải, xả thải rác, nước bẩn từ các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị ven biển; việc đánh bắt cá bất hợp pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng một số đảo, khu vực biển trong phạm vi vùng đệm của các khu bảo tồn biển diễn ra trên phạm vi rộng và ở quy mô lớn chưa từng xảy ra trước đây.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển ở nước ta. Đặc biệt, ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng đọng và quấn bám vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển.

Bên cạnh đó, chất lượng các rạn san hô của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, ở trạng thái không tốt; đồng thời, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biến đổi đại dương là những thách thức dài hạn đối với các khu bảo tồn biển.

Axit trong nước biển đang phá hủy rạn san hô. Ảnh: Internet
Axit trong nước biển đang phá hủy rạn san hô. Ảnh: Internet

Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), các mối đe dọa chính trong những năm qua mà môi trường biển đang phải đối mặt ở mức rất phổ biến và đang ở cấp độ báo động cao là: Ô nhiễm nguồn gốc từ lục địa và từ biển; phá hủy nơi cư trú tự nhiên; khai thác và đánh bắt cá quá mức; tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương. Nhiều sinh vật nhầm tưởng rác thải là thức ăn nên đã nuốt vào bụng hoặc chúng bị mắc kẹt giữa các ngư cụ và tử vong.

Ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam, như Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu…

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho thấy, tài nguyên biển ở nước ta hiện nay đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày càng gia tăng ở nhiều nơi. Theo ước tính, trên toàn vùng biển nước ta từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang khoảng 40 – 60% cỏ biển, 70%; rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi.

  • Việc xây dựng và hình thành các khu vực bảo vệ đa dạng sinh học biển có góp phần cải thiện những mối nguy trên không thưa ông?
Bảo vệ sạn hô là bảo vệ đa dạng sinh học biển. Ảnh: Internet
Bảo vệ sạn hô là bảo vệ đa dạng sinh học biển. Ảnh: Internet

TS. Dư Văn Toán: Có chứ,mô hình bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) hiện có trên vùng biển Việt Nam chỉ đạt 0,4% diện tích bảo tồn biển và nhu cầu tăng 4% diện tích vào năm 2030; 6% diện tích bảo tồn biển vào năm 2045 như chỉ tiêu được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 36 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các khu bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển là khu vườn ươm các giống cá con, hải sản và lan tỏa, phát tán ra các vùng biển lân cận trong bán kính tới 50 km-100 km, giúp cho hệ sinh thái biển thích nghi với biến động môi trường.

Xu hướng bảo tồn ĐDSH biển theo các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN và WCPA là các Khu bảo tồn (KBT) biển (MPA) sẽ chiếm diện tích 6% diện tích và đến năm 2030 là 10% diện tích đại dương thế giới. Vì vậy, cần bổ sung các tiếp cận mới trong bảo vệ ĐDSH biển tại Việt Nam.

Hiện nay, vùng biển Việt Nam có 23 khu vực bảo vệ ĐDSH, chiếm diện tích gần 1% diện tích biển Việt Nam. Thống kê các khu vực bảo tồn biển cho đến thời điểm năm 2020 gồm: 16 KBT biển (MPA), 06 Vườn quốc gia, KBT thiên nhiên vùng biển, hải đảo (NP),01 Di sản thiên nhiên thế giới (WH) vùng ven biển, hải đảo, 07 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (BR) ven biển, hải đảo, 06 KBT đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RS), 01Khu biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA).

KBT biển di động (MMPA) là một công cụ mới, sẽ giúp công tác bảo tồn ĐDSH biển Việt Nam có thể gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 6% đến năm 2030.

  • Theo ông, để làm tốt công tác bảo tồn biển, chúng ta cần có các giải pháp gì?

TS. Dư Văn Toán: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định rõ công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển trong thời gian tới.

Theo đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp lớn như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học biển nói riêng; trong đó chú trọng đến các cơ chế toàn cầu và khu vực mà các điều ước và diễn đàn quốc tế đang quan tâm.

Bên cạnh đó, nước ta cần tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển…

Xây dựng mới các công cụ mới như: các khu bảo tồn biển di động, các khu bảo tồn biển xuyên quốc gia, các khu vực biển có tính nhậy cảm sinh học sinh thái (EBSA), các khu di sản thiên nhiên biển, các khu Ramsar, các khu dự trữ sinh quyển, các khu hệ sinh thái gò đối đáy biển,…

Xem xét bổ sung các khu vực bảo vệ biển với các bộ ngành khác: Khu bảo vệ biển, đảo xa bờ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, khu vực bảo vệ điện gió với Bộ Công thương, EVN, khu bảo vệ đa dạng sinh học với Bộ Giao thông vận tải (PSSA, SA)

Cột san hô lớn tại Côn Đảo. Ảnh: Internet
Cột san hô lớn tại Côn Đảo. Ảnh: Internet

Ngoài ra, thời gian tới, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển cần được chú trọng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy việc thành lập và quản lý các khu vực biển có giá trị quan trọng; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực: Nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân tại các khu bảo tồn biển chuyển đổi sinh kế…

Cùng với đó, các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng thủy hải sản cần được tăng cường, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các chất bảo quản sản phẩm thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm điều kiện an toàn của tàu thuyền trong khai thác thủy hải sản; kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, công tác quản lý an toàn lao động nghề cá.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các mô hình quản lý nhà nước có sự tham gia của cộng đồng cần được nhân rộng; khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; phối hợp hiệu quả giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng, đặc biệt là các dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy hải sản cần được kiểm soát chặt chẽ; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.

  • Xin cảm ơn ông!

Thúy Linh Thực hiện

Bài liên quan

Để lại bình luận

* Khi sử dụng form này, bạn đã đồng ý với việc để trang thu thập dữ liệu.

Trang sử dụng cookies để nâng cao trải nghiệm người dùng. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không làm phiền bạn. Chấp nhận Đọc thêm