Đó là những chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên với phóng viên Vươn Khơi tại buổi làm việc với đoàn công tác của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam ngày 9/3/2021. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về tiềm năng và thực trạng phát triển nuôi biển ở Phú Yên?
TS. Nguyễn Trọng Tùng: Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển, bởi nhiều ao đìa, đầm, vịnh. Hiện có khoảng 2.000ha ao đìa nuôi thủy sản các loại, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi trọng điểm như hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, đầm cù Mông, vịnh Xuân Đài với sản lượng trên 11.000 tấn/năm và trên 80.000 lồng nuôi biển, chủ yếu là tôm hùm tại đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và vùng biển ven bờ huyện Tuy An; sản lượng khoảng 1.200 tấn/năm.
Mặc dù nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi lồng, bè nói riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên tình trạng người dân phát triển tự phát tồn tại từ nhiều năm qua trong khi các ngành và địa phương chưa quản lý chặt, hoặc năng lực quản lý chưa đáp ứng kịp thời.

Hiện các địa phương đang tổ chức quy hoạch chi tiết, sắp xếp lại các vùng nuôi tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu quản lý, việc sắp xếp lại các vùng nuôi còn nhiều vướng mắc chưa thể xử lý dứt điểm. Hầu hết người nuôi chỉ có nghề chính là nuôi trồng thủy sản, không có đất sản xuất trên bờ nhưng địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ nuôi thuộc diện di dời, giải tỏa khi quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi. Việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định tại Điểm 3, Khoản 5, Điều 34 Nghị định số 166/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không thực hiện được, do không đảm bảo được kinh phí, công cụ, phương tiện kỹ thuật và việc kiểm đếm, trông giữ, bảo quản tài sản như quy định.
Đối với các chủ lồng bè là người dân địa phương khác thường ít có mặt tại lồng bè nuôi, chỉ có công nhân nên công tác, tuyên truyền, vận động di dời đến từng chủ bè còn rất khó khăn và hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao, do đầu tư nuôi tôm mang lại thu nhập cao nên tình trạng tự phát nuôi tăng vụ, nuôi dày và môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng.
Trước khi Luật Quy hoạch 2017 ban hành và có hiệu lực, Phú Yên đã xây dựng Quy hoạch nuôi biển đến năm 2030. Theo đó, nuôi ao đìa khoảng 1.881ha tại hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Tây Hòa), đầm Ô Loan (huyện Tuy An), đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (Thị xã Sông Cầu). Nuôi lồng, bè khoảng 1.650ha tại đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và vùng biển ven bờ huyện Tuy An, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm với tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 19.360 tấn/năm.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó rà soát lại các vùng nuôi đã quy hoạch và bổ sung một số vùng biển hở khoảng 1.000ha thuộc thị xã Sông Cầu để phát triển nuôi biển công nghiệp, với vùng biển thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh diện tích khoảng 700ha và vùng biển thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương diện tích khoảng 300ha.

Như vậy bên cạnh lợi thế, tiềm năng về đầm, vịnh kín gió như đầm Cù Mông, Ô Loan, vịnh Xuân Đài phù hợp với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, tỉnh Phú Yên có vùng biển hở gần bờ, độ sâu lớn, diện tích hàng ngàn ha phù hợp phát triển nuôi cá biển công nghiệp. Đây là lợi thế lớn để tạo đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, giảm dần áp lực nuôi trong đầm, vịnh; đồng thời thay thế sản lượng khai thác biển ven bờ ngày càng sụt giảm.
PV: Vậy để phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường, Phú Yên đã có những biện pháp, định hướng gì thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Tùng: Chúng tôi thấy cần tập trung triển khai nghiêm Luật Thủy sản trong việc đăng ký và cấp mã số ao, lồng nuôi đối với nuôi biển và nuôi đối tượng chủ lực. Phát triển nuôi trồng thủy sản đúng tọa độ, đúng vị trí, đúng quy mô quy hoạch. Kiên quyết giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng số lượng quy hoạch, không để tự phát thả nuôi vượt quá quy định.
Quy định và quản lý chặt chẽ người nuôi sử dụng thức ăn tươi cho tôm hùm, thức ăn phải được xử lý đảm bảo chất lượng, thu gom phần dư thừa, xác tôm lột, vỏ ốc, rác thải đưa vào bờ xử lý đúng quy định; thay thế dần thức ăn tươi bằng thức ăn công nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Xây dựng cơ chế, vận dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ các hộ nuôi thuộc diện di dời, giải tỏa khi quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi.
Bổ sung vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh 1.000 ha vùng biển hở để phát triển nuôi biển công nghiệp nhằm tạo sinh kế và giảm áp lực môi trường cho các đầm, vịnh. Có chính sách tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người người nuôi trồng thủy sản tiếp cận dễ dàng nguồn vốn. Tăng cường quản lý nguồn giống và vật tư đầu vào.
Về quản lý môi trường và dịch bệnh, cần khuyến khích ngư dân chuyển sang nuôi trồng những đối tượng góp phần hồi phục môi trường như: rong nho, rong sụn, rong câu; trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven đầm, vịnh, ở các ao nuôi bị ô nhiễm.

Xây dựng kế hoạch phối hợp quan trắc môi trường và giám sát cảnh báo dịch bệnh giữa các cơ quan nhà nước để mang lại hiệu quả cao.
Về khoa học công nghệ, khuyến ngư, cần thử nghiệm, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ KHKT, các công nghệ mới an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh cho vùng nuôi ven bờ, đầm, vịnh; mô hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng biển xa bờ để giảm áp lực môi trường vùng ven bờ, góp phần duy trì và phát triển sinh kế cho các cộng đồng ngư dân chủ yếu sống dựa vào nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp, cơ quan khoa học nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm, thực nghiệm mô hình nuôi tôm hùm trên bờ theo công nghệ RAS, công nghệ nuôi vùng biển hở; nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp thay thế dần các loại cá tạp, giảm khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, nghiên cứu các loại vật liệu làm lồng mới có khả năng chịu được sóng, bão lớn.
Các địa phương sớm tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi lồng bè gần bờ, chuyển đổi dần các mô hình sản xuất từ vùng eo ngách ra vịnh hở ở quy mô nuôi công nghiệp. Ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài, nuôi kết hợp cá biển với nhuyễn thể, rong tảo biển, giáp xác, tận dụng chuỗi thức ăn và bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái.
Đối với nuôi lồng bè xa bờ, vùng biển hở, cần sử dụng đại trà các mô hình nuôi hiện đại, sử dụng lồng nổi bằng nhựa cứng HDPE, lồng nổi bằng kết cấu thép, các loại lồng chìm và bán chìm có kết cấu và vật liệu đa dạng, thích hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết và sóng, bão; gắn kết hài hòa nuôi biển với dịch vụ, du lịch sinh thái biển, dầu khí, điện gió…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Phương Anh thực hiện