Năm 2020, kinh tế thuỷ sản Quảng Ninh có giá trị tăng thêm theo giá cố định đạt 3.291,3 tỷ đồng chiếm 2,5% GRDP toàn tỉnh và 50% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh; giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 13.959 tỷ đồng, chiếm trên 55% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; trong đó nuôi trồng thuỷ sản đã có những bước phát triển, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là phát triển phải song hành với bảo vệ môi trường biển, bởi tình trạng nuôi lồng bè sử dụng phao xốp đang là vấn đề cần sớm được giải quyết dứt điểm. Vậy, Quảng Ninh đã làm gì trước thực tế này để phục hồi lại mầu xanh của biển, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh.

PV: Xin ông cho biết tình hình phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản ở Quảng Ninh hiện nay phát triển như thế nào?
Ông Đỗ Đình Minh: Quảng Ninh đặc biệt ưu tiên cho phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và có trách nhiệm; nâng cao tỷ trọng giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy phát triển chế biến thủy sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ổn định số lượng đội tàu xa bờ, hiện đại hóa công nghệ khai thác và bảo quản, giảm số lượng tàu vùng bờ gắn với bảo vệ môi trường, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản.
Ngày 01/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị Chỉ thị số 18- CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Kết quả triển khai đến nay đã từng bước ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt tận diệt tài nguyên sinh vật biển. Từ khi triển khai Chỉ thị số 18 đến nay đã có trên 15.200 lượt ngư dân được trực tiếp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quy định pháp luật về thủy sản; gần 6.292 trường hợp cố tình sai phạm đã bị xử phạt với tổng tiền trên 28,23 tỷ đồng. Qua đó góp phần phục hồi trở lại của nguồn lợi thủy sản

Cùng với đó, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước nghiên cứu và ban hành quy định riêng về vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản tại Quyết định số 31/QĐ-UBND, ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh “Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh” cũng là chủ trương lớn để tỉnh tiếp tục duy trì, đảm bảo tính bền vững trong phát triển thủy sản. Từ ngày 01/01/2021, các loại vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản biển thiếu bền vững, không thân thiện với môi trường như phao xốp, tre nứa, gỗ tạp,… buộc phải thay thế bằng sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật tương đương HDPE (nhựa HDPE, phao có phủ sơn LineX…). Thay vì giá trị sử dụng chỉ từ 1-3 năm sẽ tăng lên 20-50 năm, thay vì tan rã ra lòng biển sau hết hạn sử dụng thì sẽ được thu gom lại để tái chế, tái sử dụng…
PV: Hiện các nhà quản lý chuyên ngành đang rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện Quyết định 31/QĐ-UBND và đánh giá rất cao về sự quyết liệt của Quảng Ninh, vậy tiến độ việc chuyển đổi này như thế nào thưa ông?
Ông Đỗ Đình Minh: Theo Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 21/5/2021 v/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh, từ ngày 01/01/2022, các cơ sở NTTS mặn, lợ phải thực hiện xong việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo Quy chuẩn.
Như vậy lộ trình thực hiện chuyển đổi sớm hơn 1 năm so với lộ trình ban đầu đã được ban hành theo Quyết định số 31. Đây được coi là giải pháp mạnh tay của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương hàng tháng tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện; đến nay huyện uỷ Vân Đồn đã ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề, các địa phương ven biển đã ban hành kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện thay thế toàn bộ vật liệu nổi trong nuôi trồng thuỷ sản trên đia bàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng quy chuẩn gồm: Các cơ sở NTTS lợ, mặn bằng lồng bè, giàn bè có sử dụng phao nổi; cơ sở sản xuất, nhập khẩu phao nổi, vật liệu làm phao nổi trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ NTTS. Quy chuẩn cũng quy định rõ về công tác quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; công tác tổ chức thực hiện; các thông tin chi tiết về phao nổi, vật liệu làm phao nổi.

PV: Được biết, cùng có sản phẩm công nghệ phao, lồng làm bằng nhựa HDPE phục vụ cho nuôi biển, có nhiều doanh nghiệp đang hướng đến Quảng Ninh. Là nhà quản lý chuyên ngành, ông có đưa ra định hướng cho người dân về việc lựa chọn những sản phẩm đã được công nhận hợp quy, hợp chuẩn không?
Ông Đỗ Đình Minh: Đúng vậy, hiện tại đang có một số công ty sản xuất phao nhựa HDPE phục vụ cho nuôi biển, với mẫu mã sản phẩm, nhiều loại giá thành khác nhau. Vẫn có hiện tượng người dân đầu tư mới sử dụng vật liệu làm phao nổi không đảm bảo theo quy chuẩn địa phương. Hiện địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thực hiện sử dụng vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương số 08:2020/QN. Bảo vệ thương hiệu của các nhà sản xuất vật liệu nổi có sản phẩm được công nhận hợp quy. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng người dân đầu tư mới mà vẫn sử dụng vật liệu nổi không đảm bảo theo quy chuẩn địa phương. Giá thành chuyển đổi vật liệu mới đắt gấp đôi giá vật liệu cũ (giá phao xốp trung bình giao động từ 35.000 đồng – 42.000 đồng/chiếc, phao HDPE giá trung bình giao động từ 60.000 đồng – 115.000 đồng/chiếc tùy cỡ.
Tuy nhiên, nếu làm một bài toán kinh tế so với độ bền 50 năm của vật liệu với việc sử dụng miếng xốp hiện nay chỉ dùng được từ 2-3 năm rồi thải bỏ thì sản phẩm thì việc đầu tư ban đầu tuy tăng gấp đôi giá cũ nhưng độ bền lại tăng từ 10 đến 15 lần. Tính theo giai đoạn thì giá thành lại rẻ hơn nhiều lần. Mặt khác còn đem lại lợi ích về bảo môi trường, làm đẹp cảnh quan các khu vực nuôi biển.
Song, đúng là vấn đề tài chính đầu tư ban đầu cho sản phẩm thân thiện môi trường là một việc khá nan giải đối với điều kiện thực tế của bà con ngư dân, đặc biệt là những hộ nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy, phát triển nghề cá bền vững, chúng tôi đang triển khai hướng người dân thực hiện theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định triển khai thực hiện Nghị định 194/2019QĐ-HĐND của HĐND tỉnh về Ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, sản suất vật liệu chủ động hỗ trợ ngư dân về thời gian thanh toán mua vật liệu HDPE, hỗ trợ thu gom vật liệu cũ (phao xốp),…

PV: Tôi được biết, Công ty Cổ phần nhựa Trường Phát là doanh nghiệp đầu tiên công bố hợp quy, hợp chuẩn tại địa phương Quảng Ninh. Ông đánh giá như thế nào về sản phẩm nhựa HDPE của doanh nghiệp này?
Ông Đỗ Đình Minh: Super Trường Phát chính thức là doanh nghiệp đầu tiên tự công bố hợp quy QCĐP 08:2020/QN cho sản phẩm “Vật liệu HDPE sử dụng làm phao nổi cho nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tại Quảng Ninh” Công ty Super Trường Phát đã tập trung vào sản xuất phao nổi HDPE, ống HDPE, lưới HDPE theo tiêu chuẩn cho nghề nuôi biển nuôi biển. Đây là doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa công nghệ HDPE vào nuôi biển, nhằm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đáy biển do lồng bè, dây phao truyền thống bị người dân xả trực tiếp xuống biển sau khi nuôi. Hiện công nghệ này đã đang triển khai rất tốt ở khu vực huyện Vân Đồn.
Ngoài Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát, hiện nay có 3 đơn vị khác sản xuất vật liệu nổi theo QCĐP số 08:2020/QN tự công bố Hợp quy gồm: Công ty TNHH TMXNK Vĩ Tuyến, Công ty TNHH SHQ, Công ty TNHH Vân Long. Sản phẩm của các Công ty trên đã phù hợp quy chuẩn địa phương, chịu được thời tiết khắc nghiệt: nắng, gió, bão, sóng biển, động đất,… dễ dàng sửa chữa, thay lắp phụ kiện linh hoạt về kích thước, đáp ứng mọi loại mặt nước ao, hồ, sông, vịnh, biển và đặc biệt là độ bền cao; rất thiết thực cho giải pháp bảo vệ môi trường. Với những tính năng vượt trội, hiện sản phẩm của các công ty đã được một số hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh sử dụng và đạt hiệu quả cao về thẩm mỹ và giá trị kinh tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Minh Anh thực hiện