Phát triển nghề nuôi biển gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh địa phương và giúp nông dân làm giàu từ biển cũng là cách mà các tỉnh thành ven biển nước ta đã, đang hướng đến và thời gian tới nhân rộng- Đây cũng là chủ trương, khuyến khích của Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học; công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta; sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Để hoàn thành mục tiêu nói trên, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, hoàn thiện đề án Phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển nuôi biển đồng thời cả nuôi và trồng các đối tượng thủy sinh vật – nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng nhóm sản phẩm, trong đó doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp thân thiện với môi trường là yếu tố then chốt trong đề án Phát triển nuôi biển.
Theo đó, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) đang từng bước định hướng cho những doanh nghiệp hội viên của mình đi theo chiến lược mà Bộ NN&PTNT đã đề ra, đặc biệt là những doanh nghiệp khoa học công nghệ và công nghệ phụ trợ. Một trong những doanh nghiệp đang tiên phong đồng hành cùng VSA và các cấp quản lý địa phương ven biển trong việc chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy hải sản (gọi tắt là nuôi biển) từ công nghệ truyền thống tre, nứa, phao xốp sang dùng vật liệu nhựa nổi HDPE thân thiện với môi trường – Đó là Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát (gọi tắt là Super Trường Phát).

Năm 2020, Super Trường Phát chính thức là doanh nghiệp đầu tiên được công bố hợp quy QCĐP 08:2020/QN cho sản phẩm “Vật liệu HDPE sử dụng làm phao nổi cho nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ tại Quảng Ninh”. Số công bố hợp quy của Công ty là 30122020/CBHQ-SUPER. Đây là bước khởi đầu để các sản phẩm nhựa mang thương hiệu SuperPlas vươn ra biển lớn đồng hành cùng người dân làm giầu từ biển góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với nghề nuôi biển công nghiệp, Super Trường Phát đang tập trung vào sản xuất phao nổi HDPE, ống HDPE, lưới HDPE theo tiêu chuẩn cho nuôi biển. Một trong những địa phương điểm mà Super Trường Phát đã, đang đồng hành để triển khai thực hiện những mô hình theo kiểu trang trại mẫu là tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Quy chuẩn số 08: 2020/QN là quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thuỷ sản lợ, mặn tại Quảng Ninh.

Không chỉ là doanh nghiệp tiên phong như đã nói trên mà Super Trường Phát đang hướng đến một mô hình nuôi biển bền vững tương tự như nông nghiệp, đó là mô hình “MARINE FARM” kết hợp du lịch sinh thái trên biển có lồng nuôi, bè nổi, nhà nổi làm từ công nghệ nhựa HDPE. Với mô hình “MARINE FARM” trên biển kiểu này hiện ở các vùng biển du lịch nước ta xuất hiện rất nhiều, chủ yếu là tự phát, theo công nghệ truyền thống là gỗ, tre, nứa,…và nếu có đẹp, hiện đại hơn là vật liệu composite nhưng mỗi nơi làm một kiểu. Xây dựng mô hình mang tính cộng đồng và có tính lan tỏa là hướng mà Super Trường Phát hướng đến trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình- Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát cho biết: “Chúng tôi đang đồng hành với nhiều địa phương ven biển trong cả nước, cùng chung tay với chính quyền địa phương vận động người nuôi hải sản chuyển đổi vật liệu, phát triển sinh kế theo mô hìnhMARINE FARM. Nuôi thủy sản và du lịch sinh thái nếu được “tích hợp” với nhau không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành thủy sản, du lịch, mà còn giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất để tăng thu nhập”.
Hiện Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát đã, đang xây dựng một số mô hình MARINE FARM ở vùng biển huyện Vân Đồn để người dân nuôi biển đến tham quan học tập, mỗi mô hình mang một thực thể đặc thù khác nhau như mô hình trình diễn nuôi hàu, nuôi rong, nuôi cá và mô hình tích hợp đa tầng nhiều loài nuôi,…Bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết thêm: “Mặc dù là chủ doanh nghiệp công nghệ phụ trợ nhưng chúng tôi phải đóng nhiều vai: Nhà sản xuất, doanh nghiệp, người vận động chính sách, tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích kinh tế bền vững trước biến đổi khí hậu nước biển dâng, trách nhiệm của họ trong việc gìn giữ môi trường biển và thâm chí trong vai người dân trực tiếp xây dựng mô hình…”. Được biết, sau những dự án cộng đồng MARINE FARM đã, đang có tính lan tỏa ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), sắp tới Super Trường Phát sẽ triển khai nhân rộng sang đảo Cát Bà (Hải Phòng), Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

Riêng với Khánh Hòa, vẫn với chất liệu HDPE đạt QCĐP 08/2020 /QN, mô hình nuôi biển và du lịch sẽ được tích hợp “2 trong 1”. MARINE FARM gồm: Nuôi biển theo hình thức đa tầng; cơ sở hạ tầng gồm có (nhà điều hành có dịch vụ cà phê, câu cá; Hệ thống lồng tròn; Hệ thống lồng vuông; Hệ thống giàn nuôi ngao; Hệ thống giàn phao; Hệ thống lồng trồng rong; Các tiện ích (WC tự hủy, điện năng lượng mặt trời, thùng rác tái chế, cầu cảng,…). Dự kiến, đây sẽ là mô hình điểm trình diễn, không đặt lợi ích kinh doanh lên hàng đầu, mong muốn sự lan tỏa đến người dân về tính lợi ích khi chuyển đổi vật liệu thân thiện với môi trường và sự bền vững trong sinh kế. Đồng thời, cũng là một hình thức gián tiếp đồng hành cùng địa phương trong việc tuyên truyền thông điệp gìn giữ môi trường biển vùng nuôi.
Tuy nhiên, những mô hình kết hợp như vậy, để làm được thành công rất cần có sự ủng hộ của chính quyền địa phương sở tại về chính sách, pháp lý giao thuê mặt nước biển và chung tay cộng đồng người nuôi thì mới cùng nhau đồng hành phát triển kinh tế trên biển một cách bền vững được.
Sỹ Tùng