(VSA) Nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở nhiều vùng nông thôn ven biển; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tuy nhiên, 2 lĩnh vực nuôi biển và du lịch chưa có sự liên kết, song hành. Điều này đang gây nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý và lãng phí. Các nhà quản lý địa phương cần có góc nhìn tổng thể, gắn với lợi ích cộng đồng dân cư ven biển.
Nuôi biển vẫn còn manh mún, tự phát
Theo thống kê, Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi diện tích nuôi biển của nước ta đến nay chưa đạt tới 300.000 ha, mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước (1.140.000 ha theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, trong khi đó, hoạt động nuôi biển đến nay vẫn còn manh mún, tự phát, thường xuyên phá vỡ quy hoạch.
Đặc biệt, nuôi biển tại Việt Nam hiện nay chủ yếu theo quy trình nuôi lồng bè truyền thống gần bờ, công nghệ nuôi chủ yếu bằng tre, nứa, phao xốp,… hạ tầng nuôi còn nhiều yếu kém, thiếu quy hoạch và chính sách quản lý tốt dẫn đến tình trạng phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức, rõ nhất là suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Một số vùng nuôi hiện nay đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng do độ sâu và tốc độ dòng chảy thấp, mật độ các lồng nuôi quá cao, chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động nuôi quá lớn, chưa kể những mâu thuẫn trong sử dụng mặt nước giữa nuôi biển và các ngành kinh tế khác như du lịch, vận tải biển,…
Du lịch: Lãng phí quà tặng của thiên nhiên
Với đặc trưng của thời tiết Việt Nam, cho dù mùa cao điểm hay thấp điểm trong du lịch vẫn có thể khai thác được du lịch biển. Tuy nhiên ngoài những hình ảnh quảng bá hấp dẫn, du lịch biển Việt Nam còn phát triển chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch, manh mún, mạnh ai nấy làm. Nhiều du khách nước ngoài cho rằng Việt Nam có tiềm năng để xây dựng thương hiệu du lịch biển mang tầm quốc tế nhưng chúng ta chưa biết cách làm. Tiềm năng biển của Việt Nam đã được thế giới công nhận như: Vịnh Hạ Long, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh,… riêng bờ biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes (Mỹ) bầu chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh; rồi Phú Quốc, Côn Đảo,…Thế nhưng du lịch biển chưa được định hướng, quy hoạch, hay đúng hơn là chưa có “nhạc trưởng” để xây dựng những nơi này thành vùng du lịch biển mang đẳng cấp quốc tế.

Một chuyên gia ở Hiệp hội Du lịch PATA cho rằng Việt Nam sẽ không có những bãi biển tầm vóc quốc tế nếu cứ lặp lại tình trạng “mạnh ai nấy làm”, manh mún như hiện nay. Còn một chuyên gia nghiên cứu về biển, trường Đại học Amsterdam, Hà Lan, Giáo sư John Kleinen thì cho rằng: “Tôi đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm rồi. Tôi cũng đã có nhiều chuyến khảo sát thực tế dọc các bờ biển của Việt Nam và tôi nhận thấy rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái biển. Tuy nhiên tôi cũng có một vài suy nghĩ về vấn đề du lịch biển ở Việt Nam, đó là du lịch biển ở Việt Nam chưa quy hoạch cụ thể, lập kế hoạch chi tiết nên không chú trọng đến cộng đồng dân cư ở ven biển, trong đó có sinh kế và lợi ích của những người nuôi biển, vì vậy luôn phải đón nhận nhiều thách thức lớn đối với việc phát triển du lịch bền vững. Nếu các bạn lập kế hoạch chi tiết cho các khu vực du lịch biển và phát triển du lịch biển theo hướng liên kết, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà khách nước ngoài, đặc biệt là khách châu Âu…”.
Ghi nhận ở Hạ Long
Theo Giáo sư John Kleinen, điều cần chú ý là phải làm sao cộng đồng dân cư ở vùng biển đó nhận thức được rằng du lịch sẽ đem lại những điều tốt đẹp và đời sống kinh tế khá hơn, hướng họ cùng tham gia phát triển du lịch biển. Đó là chính là sự chia sẻ lợi nhuận từ du lịch cho người dân bằng nhiều hình thức. Xác định rõ vấn đề này, nhiều địa phương có biển cũng đã và đang xúc tiến để xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho vùng biển của mình. Mỗi địa phương xây dựng một phương án khác nhau trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Hoạt động NTTS của người dân trên vịnh Hạ Long là một trong những sinh kế truyền thống của ngư dân Hạ Long từ lâu. Tuy nhiên, nghề NTTS trên vịnh Hạ Long, đặc biệt là nuôi cá lồng biển vẫn theo hình thức nuôi truyền thống như: sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá dẫn đến ô nhiễm môi trường nước, tác động xấu đến thảm cỏ biển và rạn san hô do Vịnh Hạ Long là vùng biển kín, lưu tốc dòng chảy thấp, độ sâu mực nước thấp. Hơn nữa, sự tồn tại của các nhà bè, nhà nổi cũng như áp lực về dân số gia tăng tại các làng chài cộng với việc NTTS tự phát và không theo quy hoạch tồn tại từ nhiều năm nay đã và đang là trở ngại đến nhiều mặt đời sống – xã hội, gây khó khăn cho việc kiểm soát ô nhiễm nước và bảo vệ đa dạng sinh học vịnh Hạ Long.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh thực hiện di dời các nhà bè và hơn 300 hộ gia đình ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ và chuyển đổi một số ngành nghề cho người dân. Đây là chủ trương lớn của tỉnh với mong muốn bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị của Di sản vịnh Hạ Long. Sau khi lên bờ, việc chuyển đổi công việc cho nhiều hộ dân gặp khó khăn do trình độ và thói quen bám biển. Nhiều người dân vẫn quay lại biển NTTS, chèo đò, đánh bắt thuỷ sản trái phép,… Bài toán đặt ra là giải pháp nào để tạo công ăn việc làm phù hợp với ngư dân, để ngư dân và những người khác không lợi dụng “tái chiếm biển”, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát huy giá trị di sản?.
Với sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ thông qua dự án “Sáng kiến liên minh Hạ Long – Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” đã gợi mở một hướng đi cũ nhưng cách làm mới trong bối cảnh lúc bấy giờ. Dự án được triển khai với mục tiêu chung là tăng cường bảo tồn cảnh quan và môi trường, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững vịnh Hạ Long. Trong đó có “mô hình thí điểm NTTS thân thiện môi trường kết hợp du lịch có trách nhiệm trên vịnh Hạ Long” là một lựa chọn phù hợp.

Hệ sính thái dưới đáy biển cần được bảo tồn.
Qua quá trình điều tra khảo sát và đánh giá dựa trên các tiêu chí phù hợp, khu vực Vung Viêng đã được thống nhất lựa chọn để triển khai. Đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, lại nằm trong vùng bảo vệ tuyệt đối, bởi vậy các hoạt động bảo tồn di sản ở đây được quan tâm chú trọng. Diện tích Vung Viêng cũng đủ rộng để thực hiện mô hình này, phù hợp với Quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch môi trường trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng đang được tổ chức ở đây với sự tham gia liên kết giữa doanh nghiệp HTX Vạn Chài và người dân bản địa là một mô hình thích hợp để quảng bá cảnh quan, văn hóa vịnh Hạ Long, tạo sự khác biệt với những khu vực khác.
Mục tiêu của mô hình nhằm vận động và hỗ trợ người dân làng chài nuôi hải sản với phương thức nuôi và bè nuôi theo quy chuẩn, quy hoạch của địa phương cũng như quốc gia, gắn liền với việc bảo vệ di sản vịnh Hạ Long. Không những vậy, thay vì hướng tới mục tiêu tạo ra sản lượng nuôi tối đa, mô hình NTTS thí điểm này được phát triển thành sản phẩm du lịch, gắn với nền tảng hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng vốn đã có sẵn để phục vụ khách đến tham quan vịnh Hạ Long.
Mô hình tiến hành lắp đặt 32 nhà bè và bè nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với dịch vụ tham quan du lịch theo giai đoạn. Dự án sẽ hỗ trợ phần cứng là các nhà bè và các hộ nuôi trồng chỉ phải bỏ kinh phí mua giống cá. Đối tượng tham gia là người dân làng chài Vung Viêng tái định cư ở phường Hà Phong, TP. Hạ Long.
Được triển khai từ năm 2016, đến nay mô hình NTTS thân thiện môi trường gắn với du lịch trách nhiệm đã có 7/32 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động tại Vung Viêng, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao cho hoạt động du lịch.
Quy trình nuôi cũng tuân thủ theo đúng hướng dẫn NTTS thân thiện môi trường từ việc xử lý cá giống trước khi thả, thức ăn cho cá, chăm sóc và quản lý, phòng và trị bệnh cho cá; xử lý rác thải do quá trình sản xuất… Sau khi thực hiện chủ trương di dời lên bờ sinh sống, gia đình anh Nguyễn Văn Lợi vẫn lựa chọn duy trì công việc bám biển ở Vung Viêng và làm việc tại HTX dịch vụ du lịch Vạn Chài. Khi thực hiện mô hình này, gia đình đã đăng ký tham gia.
Anh Lợi chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất phấn khởi khi được lựa chọn tham gia mô hình. Tất cả các buổi tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường gắn với du lịch có trách nhiệm tôi đều tham gia đầy đủ và cộng với kinh nghiệm vốn có, chúng tôi rất tự tin thực hiện tốt mô hình này. Vợ chồng tôi bắt đầu xuống giống lứa cá đầu tiên vào tháng 3-2017. Đến nay, chứng kiến chúng phát triển khỏe mạnh, 2 vợ chồng tôi vui lắm. Hơn nữa khi triển khai mô hình này, lượng khách du lịch đến tham quan cũng tăng cao hơn, do đó ngoài việc chăm sóc đàn cá, chúng tôi có ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch hơn.”
Ông Tăng Văn Phiến, Chủ tịch HXT dịch vụ du lịch Vạn Chài cho biết: “Việc triển khai mô hình này là giải pháp thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân làng chài, gia tăng sức hút về du lịch, góp phần ổn định và hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân làng chài sau tái định cư cũng như hỗ trợ cải thiện quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vịnh Hạ Long. Đến nay có thể khẳng định, dự án bước đầu được thực hiện đã mang lại sinh kế mới cho ngư dân làng chài sau khi di chuyển lên bờ, đồng thời hình thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần gìn giữ, bảo tồn làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long”.
Thực hiện đúng mục tiêu của mô hình là thay vì hướng tới mục tiêu tạo ra sản lượng nuôi tối đa, mô hình NTTS thí điểm này đã và đang được phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, gắn với nền tảng hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng vốn đã có sẵn mà HTX Vạn Chài đã tổ chức trước đây để phục vụ khách đến tham quan vịnh Hạ Long. Hoạt động du lịch đặc biệt và giàu tiềm năng đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan thưởng ngoạn.
Du khách đến tham quan làng chài sẽ được rong thuyền nan vào thăm khu NTTS, được cùng ngư dân chăm cá, thả mồi và thưởng thức không gian thanh bình tuyệt vời của làng chài độc đáo này. Chủ tịch HTX dịch vụ du lịch Vạn Chài cho biết thêm, vào tháng cao điểm mùa du lịch từ tháng 8 đến tháng 4 hàng năm, làng Vung Viêng đón khoảng 18.000 lượt khách/tháng. Thậm chí có ngày cao điểm đón trên 1.000 lượt khách/ngày.
Như vậy, việc thành công bước đầu của mô hình đã cho thấy nếu có quy hoạch phù hợp, biện pháp quản lý tốt, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp, quy trình kỹ thuật nuôi thân thiện môi trường thì hoạt động này không những không gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra sinh kế mới và là điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước khi đến với vịnh Hạ Long.

Cần kết hợp phát triển hài hòa
Phát triển du lịch biển là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, chính quyền Trung ương cũng như địa phương không nên chú trọng quá vào việc làm sao để tạo được lợi nhuận nhiều nhất, mà phải hiểu rằng những người dân sống ở ven biển đều có quyền tiếp cận với các nguồn lợi biển, nơi mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày của họ. Chính vì vậy, chính quyền địa phương phải làm sao cân bằng được giữa phát triển du lịch và sinh kế cho người dân, vừa tạo công ăn việc làm để tăng thu nhập đồng thời tạo nguồn thu nhập nguồn chính đáng cho người dân, những người mà đã gắn bó rất lâu đời với biển. Bên cạnh đó phải ưu tiên cho các ngành dễ bị ảnh hưởng như nuôi trồng thuỷ sản và nông nghiệp. Cần hình thành du lịch sinh thái kết hợp với sự phát triển của nghề nuôi trồng thuỷ sản và nghề đánh bắt cá để có thể kiểm soát được các ảnh hưởng tiêu cực của ngành du lịch đến môi trường và xã hội tại địa phương.
Các địa phương có du lịch biển có thể tổ chức những hoạt động vui chơi gắn liền với biển, cố định thời điểm, thời gian, xây dựng thành lịch tránh tình trạng trong cùng thời gian có quá nhiều sự kiện hoặc ngược lại chẳng có hoạt động nào để thu hút du khách.
Ngoài những gì thiên nhiên đã ban tặng, du lịch biển nên khai thác nhiều loại hình du lịch như đi tham quan các đảo quanh khu vực, lặn biển, câu cá, tìm hiểu đời sống dưới biển, trên cạn, các hoạt động thể thao gắn liền với biển… Những loại hình này sẽ mang lại nhiều thú vị với du khách nước ngoài.
Phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái biển nói riêng trước hết sẽ cải thiện sinh kế cho chính những người dân địa phương, đồng thời mang lại lợi ích mong muốn cũng như mang tính bền vững về mặt môi trường biển. Tuy nhiên để làm được điều này, trước hết du lịch biển Việt Nam cần phải được khoanh vùng, quy hoạch thật chi tiết, bài bản, rồi kêu gọi đầu tư, xây dựng để hình thành nên những khu dịch vụ du lịch (lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, mua sắm, du lịch, sức khoẻ…) đạt đẳng cấp quốc tế. Có như vậy chúng ta mới thành công khi dùng biển để tiếp thị du lịch biển và quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Nguyễn Thị Sinh