Tính hiệu quả về mặt chi phí, tiềm năng mở rộng tốt cùng khả năng sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu, không nghi ngờ gì sẽ giúp Việt Nam bứt phá mạnh mẽ.
Việt Nam là một cường quốc nuôi trồng thủy sản toàn cầu, hiện đứng thứ tư thế giới về giá trị xuất khẩu, ngay sau Na Uy. Nhưng so với Na Uy, tổng sản lượng của chúng ta lại cao gần gấp ba lần, chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất tại các ao trên đất liền nuôi tôm, cá tra, với giá trị tương đối thấp. Thay vì cố gắng sản xuất thật nhiều, chúng ta hoàn toàn có thể hướng đến “sản xuất thông minh” hơn.
Trong khoảng 30 năm tới, tình trạng biến đổi khí hậu về cơ bản sẽ định hình lại chuỗi cung cấp thực phẩm toàn cầu, với những kẻ thắng và người thua mới. Chúng ta nhất thiết phải hiểu rõ về những rủi ro và cơ hội để sẵn sàng ứng phó trước tương lai đó.
Mặt tối của vấn đề, theo dự báo từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc, sản lượng cá thu hoạch qua con đường đánh bắt tự nhiên ở các nước nhiệt đới sẽ sụt giảm khoảng 40%. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của hàng chục ngàn hộ ngư dân và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp cá hồi – đại diện cho lĩnh vực sản xuất nuôi trồng thủy sản nước lạnh, khiến khoảng trống trong nguồn cung khó có thể được lấp đầy.
Cá biển là một trong những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và thân thiện môi trường nhất. Đối với Việt Nam, nhu cầu thủy sản toàn cầu dự kiến tăng trưởng tới 80% thực sự là một cơ hội vô cùng lớn và nên được nghiêm túc xem xét. Bằng những chính sách và quy hoạch tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng nên một ngành công nghiệp mới bền vững trị giá hàng tỷ USD – nuôi trồng thủy sản biển.

Từ năm 2008, Công ty Australis của tôi đã đi tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nuôi hải sản nhiệt đới – mang công nghệ đã được áp dụng thành công với cá hồi Na Uy vào điều kiện khí hậu cùng các loài đặc thù của Việt Nam. Sau hơn 14 năm, chúng tôi đã phát triển thành công một loạt bí quyết công nghệ và xây dựng được thị trường đầy hứa hẹn cho cá chẽm (Lates calcarifer) – đối tượng mà chúng tôi tin có thể trở thành “cá hồi nhiệt đới”, đóng vai trò giải quyết sự thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu.
Năm 2006, khi lần đầu tới Việt Nam, tôi đặc biệt ấn tượng trước sự thông minh, khéo léo và khả năng tập trung của người lao động bản xứ, bên cạnh một cộng đồng nghiên cứu khoa học tận tụy và giỏi chuyên môn cùng điều kiện lý tưởng ở một số khu vực, như vịnh Vân Phong. Vì vậy, chúng tôi đã hết sức tin tưởng vào quyết định đầu tư dài hạn của mình và nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn cho một ngành sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.
Trong thập niên qua, tôi vui mừng khi chứng kiến Việt Nam phát triển mạnh mẽ từng ngày và trở thành ngôi sao kinh tế mới tại châu Á. Cùng với sự tăng trưởng thịnh vượng của đất nước, Australis cũng đã không ngừng nâng cao sản lượng, từ 30 tấn khiêm tốn của năm 2008 lên đến 10.000 tấn như ngày nay – lớn nhất thế giới về cá chẽm. Sắp tới, bên cạnh xuất khẩu, chúng tôi cam kết sẽ giành một phần sản lượng để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam vốn ưa thích cá tươi, nguyên con hơn là sản phẩm chế biến và đóng gói sẵn.
Sau gần 20 năm đầu tư, chúng tôi đang rất háo hức mở rộng quy mô sản xuất lên 40.000 tấn cá chẽm, qua đó tạo ra đóng góp đáng kể vào sứ mệnh phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của Việt Nam. Tuy nhiên, thành công của Australis và các doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp xanh này của tương lai chỉ có thể được đảm bảo bởi những quy hoạch sáng suốt.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản đại dương rất cần các khu vực được che chắn, bảo vệ tốt khỏi gió bão, lý tưởng nhất là nằm trong những vịnh nước sâu với nguồn nước sạch và chất lượng ổn định. Như Australis hiện đang nuôi chủ yếu tại Vịnh Vân Phong – khu kinh tế nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vân Phong đồng thời cũng được xem là cái nôi của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam với năng suất trung bình cao nhất cùng tiềm năng đổi mới không giới hạn.

Các bản quy hoạch phát triển cần thiết phải được xây dựng dựa trên những thế mạnh đặc thù của địa phương, hướng đến kiến tạo hiệu ứng đồng vận giữa các khu vực, ngành nghề, đảm bảo tính bền vững cùng khả năng chống chịu. Hiện tại, hầu hết những nhà hoạch định chính sách có lẽ vẫn chưa tính đến việc tích hợp quy hoạch không gian biển vào trong quy hoạch đất đai. Để đưa lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển đột phá, chúng ta cần hiểu rõ về nhu cầu của ngành cùng những yếu tố đảm bảo sự thành công đó.
Các nhà làm quy hoạch hãy lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia để điều chỉnh những quy định liên quan đến việc sử dụng đất và mặt biển sao cho phù hợp. Điều này chắc chắn sẽ giúp thiết lập một nền tảng tốt và mang đến các điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, để Việt Nam sẽ không lỡ chuyến tàu lần này với cơ hội hết sức rõ ràng.
